Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, bệnh viêm não Nhật Bản làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Kết quả điều tra của Bộ Y tế cho thấy, số trường hợp mắc chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 15 tuổi chiếm 84,8%, trong đó trẻ dưới 1 tuổi chiếm 15,2%.
Bệnh nhi viêm não Nhật Bản đang điều trị tại bệnh viện.
Tại miền Bắc, nắng mưa kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển nên nguy cơ lây bệnh viêm não Nhật Bản ngày càng cao.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, đến thời điểm này có khoảng gần chục ca mắc viêm não Nhật Bản nhập viện khám và điều trị.
Các chuyên gia y tế nhận định, bệnh viêm não Nhật Bản lây truyền sang người do muỗi đốt. Hiện nay, ở miền Bắc, nắng nóng kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển nên nguy cơ lây các bệnh do muỗi truyền càng cao.
Hầu hết người bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản ở thể ẩn, nghĩa là không có triệu chứng lâm sàng. Nhưng dù ở bất cứ nhiễm bệnh ở thể nào thì bệnh nhân vẫn tạo kháng thể đặc hiệu.
Mắc bệnh viêm não Nhật Bản có thể gây tử vong, còn một số biến chứng như hôn mê sâu do ứ đọng đàm nhớt, mất phản xạ ho, sặc hoặc liệt hầu họng
Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm não Nhật Bản. Việc điều trị chủ yếu là hồi sức cấp cứu và điều trị triệu chứng như chống phù não, an thần chống co giật, kiểm soát nhiệt độ, hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp, ngăn ngừa bội nhiễm và dinh dưỡng, chống loét..
Viêm não Nhật Bản hay còn gọi là viêm não mùa hè, viêm não B. Đây là một bệnh nhiễm trùng cấp tính gây tổn thương hệ thần kinh trung ương.
Các chuyên gia cho biết, bệnh viêm não Nhật Bản gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt nhóm nguy cơ cao nhất là trẻ ở lứa tuổi 2-6 tuổi. Bệnh chủ yếu xuất hiện vào các tháng 5, 6 và 7 trong năm.
Chuyên gia khuyến cáo, để phòng bệnh viêm não Nhật Bản, biện pháp phòng bệnh chủ yếu là tiêm phòng vắc-xin. Những người du lịch có thời gian lưu trú ở nông thôn hơn 1 tháng hoặc trên 12 tháng ở thành phố có dịch cần được tiêm phòng.
Diệt muỗi và phòng chống muỗi đốt là cách để ngăn bệnh lây truyền. Diệt muỗi bằng cách: dùng thuốc xịt muỗi, dùng vợt điện. Diệt bọ gậy bằng các biện pháp: thả cá bảy màu, cá đuôi cờ vào các nơi chứa nước như bể, chum, vại, lu, khạp... để cá ăn bọ gậy.
Loại bỏ nơi muỗi đẻ: hủy bỏ các vật phế thải xung quanh nhà là những nơi có thể chứa nước mưa tạo nơi đẻ trứng của muỗi như chai lọ vỡ, ống bơ, gáo dừa, lốp xe... Bỏ muối hay nhỏ dầu hỏa vào bát nước kê chân chạn
Ông Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo người dân cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu. Nên ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt.
Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
“Viêm não Nhật Bản bắt đầu vào mùa, nếu không tiêm phòng vắc-xin cho trẻ thì nguy cơ mắc bệnh rất cao”, ông Phu khuyến cáo.
Khuyến cáo tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản Đối với trẻ em dưới 5 tuổi: Tiêm 3 liều cơ bản theo lịch tiêm của chương trình tiêm chủng mở rộng. Mũi 1: lúc trẻ đủ 1 tuổi Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần Mũi 3: sau mũi 2 là một năm Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản cũng tiêm với 3 liều cơ bản: Mũi 1: càng sớm càng tốt Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần Mũi 3: sau mũi 2 là một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. |