Dân Việt

Sợ bị trả thù, người dân ngại tố cáo tham nhũng

Lương Kết 30/07/2015 06:46 GMT+7
Đây là kết quả cuộc khảo sát, đánh giá quy định và việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng theo yêu cầu của công ước về chống tham nhũng do Viện Khoa học thanh tra (thuộc Thanh tra Chính phủ) tiến hành.

“Tố cáo chỉ tổ thiệt thòi”

Ngày 29.7, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức hội thảo hoàn thiện và công bố kết quả cuộc khảo sát này. Cuộc khảo sát được tiến hành tại 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Bắc Giang, Ninh Bình, Khánh Hòa, Đồng Nai. Đồng thời cuộc khảo sát được tiến hành với công chức viên chức của 16 bộ và cơ quan ngang bộ, 58 tỉnh và thành phố còn lại thông qua cơ quan thanh tra của tỉnh, thành phố và cơ quan thanh tra của một số sở.

img

TS Đinh Văn Minh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) cho biết, kết quả khảo sát cho thấy, có 77,8% số công chức, viên chức được hỏi sẵn sàng tố cáo hành vi tham nhũng. Trong số này có đến gần 47% cho rằng chỉ tố cáo hành vi tham nhũng khi liên quan đến quyền lợi của mình. Còn đối với người dân được hỏi cũng có đến 77,6% cho rằng sẵn sàng tố cáo hành vi tham nhũng. Có đến 45,8% người dân cho biết chỉ tố cáo khi liên quan đến quyền lợi của mình. Có 15% người dân được hỏi trả lời không tố cáo mặc dù biết được hành vi tham nhũng.

"Qua số liệu khảo sát người dân cho thấy gần 50% người được hỏi trả lời sợ bị trù dập, trả thù và không tin tưởng người có thẩm quyền giải quyết là nguyên nhân chính để không sẵn sàng tố cáo hành vi tham nhũng" - TS Minh cho biết.

Ông Minh cho biết thêm, mặc dù có khá đầy đủ quy định về khen thưởng cho người cung cấp thông tin về tham nhũng, người dám đứng lên để đấu tranh phòng chống tham nhũng, tuy nhiên người dân và công chức, viên chức cho rằng chỉ thiệt thòi khi tố cáo hiện tượng tham nhũng.

Cần nhất là được bảo vệ

"Khen thưởng người có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng là rất cần thiết, sẽ đem lại hiệu quả. Nhưng đối với người tố cáo tham nhũng, điều họ cần nhất là được Nhà nước bảo vệ. Mong muốn nhất của họ là người tham nhũng bị trừng trị nghiêm minh trước pháp luật, tài sản nhà nước được thu hồi, quyền lợi của công dân được bảo vệ, công bằng xã hội được đảm bảo. Đó là phần thưởng cao nhất đối với người tố cáo tham nhũng" - TS Minh nhấn mạnh.

Trao đổi thêm với NTNN, TS Minh cho rằng: "Trong những lý do mà người dân ngại không muốn tố cáo thì lý do mức thưởng không tương xứng chỉ là rào cản thứ yếu. Khi một người muốn tố cáo tham nhũng là do họ bức xúc trước hành vi vi phạm đó và mong muốn hành vi đó bị ngăn chặn và xử lý, đồng thời người tố cáo cũng muốn việc tố cáo đó không làm ảnh hưởng đến họ. Tuy nhiên cơ chế của chúng ta trên thực tế không phải lúc nào cũng đảm bảo an toàn cho người tố cáo. Người tố cáo có thể bị trả thù bằng nhiều cách, đó mới là rào cản chính với người đứng ra tố cáo".

Nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng 

33,9% cho rằng cơ sở pháp lý trong hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng còn hạn chế.

22,8% cho rằng thiếu trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản.

29,7% cho rằng chưa có quy định về tịch thu tài sản mà không được chứng minh có nguồn gốc hợp pháp.

23,5% cho rằng hoạt động giám định tư pháp xác định thiệt hại tài sản do tham nhũng còn hạn chết bất cập.

Nguồn: Viện Khoa học thanh tra (TTCP), khảo sát với công chức, viên chức.