Dân Việt

"Đừng bao giờ nghĩ chỉ nông thôn hay nông dân mới cần sách"

Ngọc Anh (thực hiện) 30/07/2015 08:12 GMT+7
"Ở đâu cũng cần phát triển văn hóa đọc, đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ có nông thôn hay nông dân mới cần sách. Ở bất cứ chỗ nào, người dân cũng cần đọc sách hết", bà Vũ Dương Thúy Ngà- Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL cho biết.

Vấn đề văn hóa đọc và chăm lo điều kiện đọc sách cho người dân nông thôn đang rất bức thiết. Xung quanh Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015-2020, định hướng 2030”, phóng viên NTNN đã trao đổi với bà Vũ Dương Thúy Ngà.

Thưa bà, trong dự thảo đề án có những con số khiến nhiều người  quan tâm rất thắc mắc. Chẳng hạn mục tiêu đề ra đến năm 2025, phải đạt được 50% hệ thống thư viện huyện có trụ sở độc lập, có trang thiết bị hiện đại. Rõ ràng điều này rất khó khả thi, bởi xây dựng một thư viện cấp huyện là thực sự tốn kém, kinh phí hàng tỷ đồng...

img

Thư viện lưu động của thư viện tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phục vụ tại Trường Tiểu học Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc. Ảnh: TVBRVT

- Kinh phí để xây dựng thư viện huyện thì phải do địa phương tự bỏ ra. Những con số mục tiêu thì chúng tôi mới chỉ đưa ra trong dự thảo đề án, chưa lấy ý kiến các bộ ngành. Sau cuộc hội thảo lấy ý kiến hôm 28.7 vừa qua thì ban soạn thảo chúng tôi sẽ họp, ghi nhận ý kiến để hiệu chỉnh dự thảo, sau đó mới lấy ý kiến bộ ngành, địa phương để hoàn thiện mới trình lên Thủ tướng Chính phủ vào tháng 11 năm nay. Vì vậy những chỉ tiêu đưa ra trong dự thảo mới chỉ đặt ra để bàn thảo chứ chưa phải con số chính thức, các con số này sẽ tăng, giảm hay bỏ bớt tùy thuộc tình hình sau khi lấy ý kiến. Nếu những con số chúng tôi đưa ra  không được Bộ Kế hoạch -Đầu tư, Bộ Tài chính hay các địa phương thông qua thì đều phải chỉnh sửa hết.

Nhân nói về hội thảo góp ý đề án hôm 28.7, anh Nguyễn Quang Thạch - người sáng lập phong trào “Sách hóa nông thôn Việt Nam” có đề xuất dịch chuyển sách từ thành phố, huyện lỵ về nông thôn, không để sách “ngủ” tại các trung tâm. Quan điểm của bà thế nào?

-Tôi không tán đồng quan điểm này, vì ở đâu cũng cần phát triển văn hóa đọc, đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ có nông thôn hay nông dân mới cần sách. Ở bất cứ chỗ nào, người dân cũng cần đọc sách hết. Thư viện lưu động của Thư viện Hà Nội với tên là “Bánh xe tri thức” mỗi khi đưa đến các trường, điểm xã ở ngoại thành Hà Nội cũng rất đông người đến đọc. Trẻ con ở thành phố cũng chưa đủ sách đọc, vì vậy không thể có chuyện đưa sách từ thành phố về nông thôn.

Ngay từ đầu khi soạn thảo đề án, chúng tôi định hướng lệch trọng tâm vào địa bàn nông thôn vì địa bàn này thiệt thòi hơn, nhưng khi đưa ra ý kiến này thì các bộ ngành không đồng thuận mà yêu cầu phải cung cấp công bằng cho toàn bộ.

Còn về đề xuất nên có tiêu chí mỗi làng văn hóa, gia đình văn hóa cần phải có tủ sách mới được công nhận danh hiệu đó?

img "  Dự kiến ngân sách trung ương đầu tư 30-40%, ngân sách địa phương thì 50% còn xã hội hóa là 10-20% kinh phí thực hiện đề án. Xã hội hóa hoạt động thư viện ở cơ sở là rất tốt nhưng để tốt hơn vẫn cần có đầu tư của Nhà nước, vì hàng năm sẽ có kinh phí bổ sung sách đồng loạt cho các thư viện”.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà  

-Chúng tôi cũng có đề xuất với Bộ VHTTDL vấn đề này, chỉ có điều, khi đã nói đến tủ sách thì rất khó có định lượng. Một tủ sách 200 đầu sách cũng giống như tủ sách 1.000 đầu sách. Nếu chúng tôi đưa ra yếu tố định lượng thì thành ra làm khó cho người thực hiện. Về phía cơ quan nhà nước thì chúng tôi đã đưa ra tiêu chí làng văn hóa phải có thư viện, nhưng đến tiêu chí về phòng đọc phải có bao nhiêu chỗ ngồi, diện tích bao nhiêu thì chưa chắc địa phương người ta đã chấp nhận. Còn tiêu chí gia đình văn hóa phải có tủ sách theo tôi cũng nên đề xuất, nhưng còn về phía Bộ thì tôi chưa chắc là liệu có được chấp nhận hay không.

Trước đây chúng ta đã từng có hệ thống thư viện cấp xã rất tốt, nhưng hiện nay, ở cấp cơ sở, thư viện xã hầu như không tồn tại hoặc hoạt động rất èo uột dẫn đến tình trạng người dân nông thôn không được đọc sách. Với dự thảo đề án này, tình trạng đó liệu có được quan tâm cải thiện?

-Thông qua đề án này, chắc chắn chúng tôi sẽ có sự tác động, can thiệp để đề xuất chế độ đãi ngộ tốt hơn cho những người làm công tác thư viện. Thư viện huyện thì còn đỡ hơn vì người làm ở đó là một dạng viên chức nhà nước, riêng ở cấp xã, tại sao hệ thống thư viện xã lại lay lắt, thậm chí là không có? Là bởi vì những người làm thư viện ở cấp xã không được hưởng chế độ gì hết, hoàn toàn làm không công, do tấm lòng tự nguyện và nhiệt tình mà thôi. Tôi biết có nơi chỉ đề nghị mức lương 50.000 đồng/tháng thôi nhưng cũng không được.

Trên toàn quốc, rất ít tỉnh có chế độ trả lương cho cán bộ thư viện xã, nơi cao nhất mà tôi biết là có trả lương thì là mức 400.000 đồng/tháng. Vấn đề ở đây là phải có đãi ngộ cho những người làm công tác văn hóa và cụ thể là thư viện thì mới hoạt động được, còn không thì có sách đấy nhưng người dân cũng không đọc được.

Tại sao trong dự thảo đề án, ban soạn thảo không tính tới việc lồng ghép tiêu chí thư viện vào bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM)?

- Hiện nay, theo tôi biết ở nhiều tỉnh đã có những vận dụng sáng tạo khi lồng ghép việc phát triển thư viện vào Chương trình xây dựng NTM. Ví dụ ở Phú Thọ, địa phương tự đề xuất với các xã NTM phải có thư viện, có phòng đọc rộng rãi và các công trình phụ trợ như kho, bãi để xe, khu vệ sinh. Nếu đề án này phối hợp được với Chương trình NTM thì rất tốt.

Qua điều tra vừa rồi, chúng tôi biết ở nông thôn hiện nay nhu cầu đọc sách về kỹ năng sống rất lớn mà người dân không có điều kiện mua. Tới đây, chúng tôi sẽ mời thêm đại diện của Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM cùng vào cuộc với đề án này.

Xin cảm ơn bà!