Dân Việt

Giữ lửa làng nghề trăm tuổi của người Khmer

TRỌNG BÌNH 30/07/2015 08:15 GMT+7
Làng nghề cà ràng (lò đất nung) của đồng bào dân tộc Khmer ở ấp Phnom Pi, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn (An Giang) ngày càng ít người làm, nhưng không vì thế mà nó lụi tàn theo năm tháng.

Trăm năm làng nghề

Làng gốm ở Phnom Pi, có truyền thống hơn 100 năm với sản phẩm chủ lực là cà ràng, ngoài ra còn có một số sản phẩm đặc trưng đã tồn tại trong đời sống cư dân nông thôn đồng bằng sông Cửu Long từ hàng trăm nay như: Nồi đất, vại nước, thố tay cầm, khuôn bánh khọt… Bà Néang Sa Vươne, một trong những người làm nghề lâu năm cho biết: “Trước đây, làng có trên 400 hộ chuyên làm nghề nhưng những năm gần đây làng nghề đã thưa thớt do nhu cầu sử dụng bếp gas, bếp từ, bếp điện… Cộng thêm vào đó là nhiều lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp như Bình Dương, TP. HCM, nên nhân công làm nghề rất ít. Số hộ làm nghề gốm của bà con Khmer ở đây giảm nhanh”.

img

Bà Bà Neáng Sa Vươne nghệ nhân lâu năm đầy tâm huyết giữ nghề ở Phnom Pi. Ảnh:  T.B

Hiện nay toàn xã Châu Lăng còn trên dưới 20 hộ làm nghề chủ yếu là người lớn tuổi, phụ nữ và tập trung nhiều ở ấp Phnom Pi. Ngày trước, làng nghề có mùa vụ cao điểm vào những tháng mùa nắng, nay thì hoạt động rải đều trong năm, chủ yếu trong phạm vi gia đình. 

Mặc cho sự đa dạng phong phú của bếp điện, bếp gas, nồi nhôm, nồi inox, cà ràng, nồi đất vẫn tồn tại vì những yếu tố không thay thế được của nó. “Nồi đất kho cá rất ngon, nấu cơm thì ngon cơm, còn cà ràng che chắn được gió tốt và ít tốn nhiên liệu” – anh Chau Kha, một cư dân địa phương cho biết.

Sáng tạo để giữ nghề

"  Cần có những dự án hỗ trợ quy mô hơn để giúp làng nghề trước nguy cơ mai một. Không chỉ là dăm ba triệu cho các hộ sản xuất mà phải có chiến lược như hỗ trợ công nghệ để họ đa dạng hóa sản phẩm”.

Ông Chau Kim Sêng - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang 

Sự tồn tại của làng nghề gốm Châu Lăng như hiện nay phải kể đến vai trò của  “ba nhà” tâm huyết giữ nghề. Đó là nhà cung cấp nguyên liệu, nhà sản xuất và nhà phân phối. Nhà cung cấp nguyên liệu thì đang gặp khó do nguồn nguyên liệu (đất sét ven triền núi) đang ngày một khan hiếm; nhà sản xuất thì thiếu nhân công; còn nhà phân phối thì phải gánh hàng bán rong khá cơ cực trong tình hình thị trường tiêu thụ ngày càng co cụm. Những “nhà” này nếu không vì nhiệt huyết giữ nghề thì họ sẽ không làm.

Sản xuất nhỏ lẻ thì bao giờ cũng gặp khó. Càng khó hơn khi công việc này đòi hỏi sự khéo léo mang tính nghệ thuật truyền thống có tính chất gia truyền. Bà Neáng Sa Vươne trải lòng: “Một ngày trung bình mỗi hộ ở đây làm ra khoảng 10 cái cà ràng loại nhỏ, bán với giá 15.000 đồng/cái, trừ đi các khoản chi phí thu nhập từ 70.000 - 80.000 đồng/người/ngày. Thu nhập tuy không cao nhưng nhờ lấy công làm lời để nuôi nấng lòng yêu nghề, giữ nghề gia truyền”.

Để có thể tồn tại, những người tâm huyết với làng gốm ở đây ngoài lưu giữ gìn cách làm truyền thống còn sáng tạo ra bếp củi loại lớn hay bếp than có những ưu điểm riêng, cũng được khách hàng ưa chuộng.