Dân Việt

Vượt rừng mở lớp mầm non

17/11/2010 15:32 GMT+7
Dân Việt - Năm lần viết đơn tình nguyện, cô giáo Trần Thị Kim Triều (xã Xuân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) mới được chấp nhận lên xã vùng cao Thượng Trạch mở lớp mẫu giáo.

 5 lần viết đơn tình nguyện

img
Cô giáo Triều chỉ dạy các cháu mầm non Ma Coong học vẽ

Thượng Trạch là một xã biên giới, nơi cư trú của đồng bào Ma Coong, tồn tại gần như biệt lập với bên ngoài. Để lên Thượng Trạch chỉ có duy nhất con đường 20 Quyết Thắng độc đạo dài 50km đã xuống cấp nghiêm trọng. Đi lại khó khăn, điều kiện sống khắc nghiệt nên từ trước đến nay, ở Thượng trạch chỉ có các lớp tiểu học và THCS và giáo viên được điều động lên đây cũng chủ yếu là nam giới.

Thế nhưng, trong vòng 5 năm, cô Triều đã 5 lần liên tục viết đơn tình nguyện lên Thượng Trạch để mở lớp mẫu giáo dạy cho trẻ em Ma Coong. Triều kể:

“Năm 2004, một lần lên thăm bạn trai đang dạy học ở đây (Thượng Trạch), nhìn thấy những đứa trẻ đồng bào Ma Coong trần truồng, bẩn thỉu, em thương lắm. Trên đường về, em đã tự hứa với lòng mình là sẽ trở lại để làm một điều gì đó cho mảnh đất này. Khi đang dạy dưới xuôi, em nghe nói có đề án “xoá bản trắng mẫu giáo” cho 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch, thế là em làm đơn xin đi nhưng phải mất 5 năm liền với 5 lá đơn tình nguyện, lãnh đạo huyện và phòng giáo dục mới đồng ý”.

Năm học 2009 -2010, lần đầu tiên lớp học mẫu giáo đầu tiên của đồng bào Ma Coong ở Thượng Trạch được khai giảng.

Những đổi thay như cổ tích

“Khi nhận quyết định, em mừng lắm. Nhưng gia đình, bạn bè ai cũng can ngăn. Chồng cũng dạy xa nên em phải gửi đứa con gái nhỏ lại cho bà ngoại. Ngày lên đường, trong tay chỉ có tờ quyết định nhưng không hiểu sao em vẫn tin mình làm được” - Triều nhớ lại.

Ngày đầu lên xã Thượng Trạch, mọi thứ đều “trắng”. Để có lớp học, Triều mượn một phòng làm việc bỏ không của UBND xã, một mình hì hục lau chùi, quét dọn, rồi đi mượn mấy băng ghế dài thừa của trường TH và THCS. Thế là cô đã có chỗ để mở lớp. Sau đó, cứ tối tối Triều lại đến từng nhà tỉ tê, khuyên như vận động bà con đưa trẻ tới lớp.

Vừa dạy, Triều vừa tranh thủ làm tờ trình mang xuống huyện xin kinh phí mua sắm cơ sở vật chất. Có tiền, cô lại tự tìm đến các hiệu bán đồ dùng dạy học mua những thứ thiết yếu nhất cho học sinh của mình, sau đó tìm xe gửi lên bản. Bàn ghế thì cô thuê đóng ngay tại bản cho đỡ chi phí. Phòng dạy học của cô trò giờ đã khá đầy đủ, nào là bàn ghế ngăn nắp, sách vở, bút tô màu, đồ chơi nhạc, xếp hình...

Điều dễ nhận thấy nhất là hình ảnh của trẻ em Ma Coong bây giờ đã thay đổi. Giữa núi rừng hoang sơ này, bây giờ không còn cảnh những đứa trẻ lem luốc, trần truồng, lê la ở chân nhà sàn hay bên khe suối nữa. Mỗi sớm mai, bản làng như ấm hẳn lên bởi tiếng hát thánh thót cất lên từ lớp mẫu giáo của cô giáo Triều. Cháu nào cũng sạch sẽ hơn, mặc áo quần đàng hoàng. Khi gặp người lớn, các cháu đều vòng tay chào lễ phép.n

"Miềng cảm ơn cô giáo Triều nhiều lắm. Nhờ cô giáo mà con em đồng bào miềng được học hát, được vui chơi và làm quen với mặt chữ trước khi vô lớp 1"