Tìm lợi thế trong khó khăn
Cách đây chưa lâu, không ai nghĩ đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa (Minh Hóa) có thể tự tay trồng được cây lúa nước, càng không ai nghĩ người Rục có thể làm giàu. Cho đến một ngày, khi Đinh Xuân Tư - một nông dân người Rục không cam chịu cuộc sống sớm tối ngồi chờ gạo cứu trợ của Nhà nước... Sau nhiều năm lao động, học hỏi, đến nay, Đinh Xuân Tư đã có một cơ ngơi ngoài mong đợi: Hơn 10ha rừng nguyên liệu sắp thu hoạch, 10 con bò, hàng chục con lợn rừng và hàng trăm con gà thả vườn, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng...
Quỹ Hỗ trợ ND Quảng Bình đã cho nhiều hộ vay vốn phát triển chăn nuôi bò, đà điểu. Ảnh: Phan Phương
Trong 5 năm qua, ngư dân Quảng Bình tự hào là một trong những tỉnh đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ về đầu tư đóng mới tàu thuyền vươn khơi. Từ khi Nghị định 67 ra đời, đến nay toàn tỉnh đã có gần 1.000 hộ ngư dân đăng ký tham gia vay vốn đóng mới, cải tạo tàu cá với nhu cầu vay vốn gần 2.330 tỷ đồng.
Trước đó, rất nhiều ngư dân Quảng Bình đã mạnh dạn đầu tư những con tàu có công suất 200 - 800CV để vươn khơi, thu về tiền tỷ mỗi năm, như ngư dân Nguyễn Đức Trung (Đức Trạch), ngư dân Nguyễn Công Hoan (Bảo Ninh). “Ra khơi với tàu có công suất lớn, gặp gió cấp 6, cấp 7 chúng tôi an tâm hơn, có thể trụ lại trên biển dài ngày. Tôi đã quyết định bán những chiếc tàu cũ, công suất nhỏ để đóng mới 2 chiếc tàu công suất 800CV và mua ngư lưới cụ, trang thiết bị hiện đại. Không ngoài tính toán của tôi, 2 chiếc tàu cá đã thu về mỗi năm hơn 10 tỷ đồng…”- ngư dân Nguyễn Công Hoan tâm sự.
Sát cánh cùng nông dân làm giàu
"Để thúc đẩy, nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước trong hội viên, ND, Hội ND tỉnh đã yêu cầu Hội ND các cấp tăng cường các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và dạy nghề cho hội viên, ND; chủ động đề xuất, tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền trong việc tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, ND, nông thôn, trong đó có tăng quy mô nguồn vốn Quỹ HTND cấp tỉnh, cấp huyện”. |
Trên bước đường giảm nghèo, làm giàu, người nông dân Quảng Bình gặp không ít khó khăn về vốn, kỹ thuật. Những thời điểm đó, họ luôn được sự giúp đỡ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của các cấp Hội ND. Hiện nay, gia đình ông Nguyễn Sỹ Lâm, xã Phúc Trạch (Bố Trạch) đã có thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm, nhưng ông vẫn không thể quên những thất bại tưởng chừng như tán gia bại sản.
Ông Lâm kể: “Năm 2006, tôi chạy ngược chạy xuôi vay ngân hàng, bạn bè được 20 triệu đồng xây chuồng nuôi gà. 2 năm đầu, do không nắm vững kỹ thuật, hơn 1.000 con gà giống tôi mua về chết hết sau một thời gian ngắn thả nuôi. Chính Hội ND xã Phúc Trạch đã giúp tôi tìm sách kỹ thuật, mời kỹ sư về mở các lớp tập huấn nên tôi mới thành công trong chăn nuôi”.
Đang lúc bí vốn để mở rộng sản xuất, ông được Hội ND giúp vay 150 triệu đồng từ ngân hàng và Quỹ Hỗ trợ nông dân. Có vốn, ông đầu tư nuôi heo, gà, mở dịch vụ kinh doanh, đến nay mỗi năm lãi ròng trên 300 triệu đồng.
Ông Lê Anh Sòng- nông dân xã Văn Hóa (Tuyên Hóa) cho biết, trước đây gia đình ông thuộc hộ nghèo. Năm 2012, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh cho ông vay ưu đãi 10 triệu đồng để nuôi bò lai. Sau 3 năm làm ăn, đến nay đàn bò phát triển tốt, cho thu nhập ổn định, nhờ đó gia đình ông Sòng đã thoát nghèo...