Giờ cao điểm, xe cộ nối đuôi nhau dài hàng ki-lô-mét, người dân chật vật nhích từng chút một là hình ảnh quen thuộc trên các tuyến đường của Thủ đô như đường Nguyễn Trãi - Thanh Xuân, Láng - Ngã Tư Sở, Cầu Giấy - Xuân Thủy… Những “lô cốt” giao thông của công trình đường sắt trên cao chiếm nửa mặt đường khiến giao thông ùn tắc thường xuyên.
Từ nhiều tháng nay, anh Nguyễn Văn Bình (Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội) thường xuyên phải đi làm sớm hơn thường lệ gần 40 phút để tránh tắc đường. Anh Bình chia sẻ: “Ngày khô ráo còn đỡ, ngày mưa tôi phải nhích từng mét để đi qua đường Nguyễn Trãi. Đến công ty tôi bị ướt hết giày, quần bẩn bê bết vì liên tục phải chống chân”.
Chị Trần Thanh Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, đoạn đường chị đi làm chỉ khoảng gần 2km ngang qua đường Xuân Thủy, nhưng chị phải đi vòng qua đường khác. “Sau vụ đổ cần cẩu đường sắt trên cao ở đoạn đường Cầu Giấy, tôi không dám đi làm qua tuyến đường này nữa. Đặc biệt trong giờ cao điểm, vỉa hè cũng không còn chỗ trống để đi lên”, chị Hà chia sẻ.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, ngay trong giờ cao điểm, nhiều đoạn đường, công nhân vẫn bắn tôn đỡ, cẩu thép thi công đường sắt trên cao.
Đây là hình ảnh quen thuộc trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Thanh Xuân trong nhiều tháng nay.
Rào chắc nhà ga gần Đại học Khoa học tự nhiên chiếm hết 2/3 lòng đường, tạo thành nút thắt cổ chai, các phương tiện rất khó khăn khi di chuyển qua đây.
Người dân phải nhích từng chút một để đi qua đoạn có rào tôn chắn.
Dù muốn đi nhanh hơn 5km/h qua những “lô cốt” này cũng là điều không thể.
Xe máy, ô tô đi tràn hết vỉa hè là hình ảnh thường thấy ở ngã tư Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng.
Đường Láng, đoạn giao với phố Yên Lãng, cả hai chiều đều ùn tắc nghiêm trọng vào giờ cao điểm.
Những ngày mưa, dòng xe nối chật kín nối dài từ Ngã Tư Sở đến đoạn giao với phố Yên Lãng.
Buổi sáng, nhiều người muộn giờ làm vì phải đi qua những đoạn đường này.
“Lô cốt” chiếm nửa mặt đường huyết mạch Cầu Giấy - Xuân Thủy.
Chỉ cần một chiếc xe buýt đi qua, lập tức đường bị ùn tắc.
Vào giờ cao điểm, phía bên trong rào chắn, cần cẩu thép vẫn hoạt động (ảnh chụp lúc 6h ngày 30.7, tại đường Xuân Thủy, đoạn đối diện cổng Đại học Quốc gia Hà Nội).
Đường Yên Lãng (Đống Đa), rào chắn thắt chặt lòng đường, công nhân vẫn làm việc phía trên dù các phương tiện bên dưới vẫn di chuyển khá đông (ảnh chụp lúc 8h sáng 29.7).
Công nhân bê tôn, bắn vít ngay trên đầu người tham gia giao thông mà không hề có lưới đỡ (ảnh chụp 8h10 sáng 29.7).
Trước đó, công trình đường sắt trên cao đã gây ra 3 vụ tai nạn cho người tham gia giao thông. Sáng ngày 6.11.2014, tại điểm thi công nhà ga đối diện Viện Y học dân tộc Tuệ Tĩnh (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân), sắt rơi xuống lòng đường khiến 1 người thiệt mạng, 1 người khác bị thương. Sáng sớm ngày 28.12.2014, tại khu vực gần bến xe Hà Đông cũ xảy ra vụ sập dàn giáo, hàng chục tấn bê-tông đè một chiếc taxi, tài xế và hành khách may mắn thoát nạn. Chiều 12.5.2015, cần cẩu thi công đường sắt trên cao đối diện số nhà 339 Cầu Giấy gãy đổ đè lên hiệu vàng, khiến 2 người đi xe máy bị thương. |