Bệnh nặng tưởng mệt nhẹ
Thai phụ Đặng Thị C (Nghệ An) đã qua cơn hiểm nghèo nhưng đứa con trong bụng vẫn chưa rõ số phận. Người nhà cho biết, chị C đang có thai ở tuần 17. Trước đó 3 tuần, chị có các triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu vàng sẫm, da mặt vàng bủng beo nhưng chị C chủ quan cho rằng mình mệt mỏi vì có thai nên không đi khám. Đến khi mệt lả, hôn mê, gia đình mới đưa chị nhập viện rồi chuyển lên cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai.
Tư vấn miễn phí tại Phòng tư vấn viêm gan (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: DL
Chẩn đoán cho thấy, chị C bị viêm gan nặng do virus viêm gan B (VGB). Sau 3 tuần điều trị cấp tập, hiện sức khỏe của người mẹ đã ổn định. “Trong quá trình điều trị, các bác sĩ đã lựa chọn sử dụng các loại thuốc ít ảnh hưởng đến thai nhi nhất. Tuy nhiên đứa con trong bụng vẫn chưa biết thế nào” – bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn – Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết.
Theo bác sĩ Tuấn, bệnh nhân C là một trong nhiều thai phụ đã bị viêm gan virus trong giai đoạn mang thai mà không biết. Đến khi sức khỏe sa sút trầm trọng mới vào viện, nhiều người không giữ được con. Tỷ lệ mẹ nhiễm virus viêm gan rồi lây sang thai nhi cũng rất cao.
Điều tra cho biết, tỷ lệ người dân nhiễm virus viêm gan ở Việt Nam rất cao, trong đó riêng nhiễm virus VGB ước tính 15-20% dân số (tương đương 13-18 triệu người). Tuy nhiên, số người “tự dưng” biết mình nhiễm virus và điều trị kịp thời rất hiếm. Đa số bệnh nhân đến viện trong tình trạng viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan.
Cần tiêm vaccine 24 giờ sau sinh
Theo bác sĩ Tuấn, điều trị virus viêm gan rất tốn kém và dai dẳng. Người nhiễm virus VGB phải uống thuốc cả đời với số tiền từ vài trăm đến vài triệu đồng/tháng. Còn người nhiễm virus VGC chỉ cần điều trị 1 năm nhưng số tiền dao động từ 200-300 triệu đồng/năm. “Vì số tiền quá lớn nên nhiều người, đặc biệt là nông dân, người nghèo bỏ điều trị giữa chừng. Cũng có người thấy các triệu chứng bệnh viêm gan đã lui hoặc xét nghiệm máu cho thấy virus VGB không còn thì ngừng thuốc. Tuy nhiên, đối với virus VGB, thuốc chỉ diệt các virus trong máu nhưng vẫn còn nhiều virus nằm trong gan cả đời, nếu ngưng thuốc sẽ lại vào máu và tiếp tục gây bệnh” – bác sĩ Tuấn cho biết.
" Phí xét nghiệm máu để tìm virus viêm gan chỉ dưới 100.000 đồng, vaccine phòng bệnh cũng chỉ hơn 100.000 đồng. Nhưng nếu mắc bệnh có thể phải tốn tiền gấp 3.000 lần, sức khỏe cũng sa sút. Do đó, người dân nên đi tầm soát virus viêm gan, nếu chưa mắc bệnh thì tiêm vaccine để phòng virus”. |
PGS-TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, cách an toàn và hiệu quả nhất để ngăn ngừa lây nhiễm virus VGB và phòng ung thư gan là tiêm phòng vaccine VGB cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là tiêm sớm trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh để có hiệu quả ngừa bệnh cao nhất. Theo PGS Phu, virus viêm gan lây qua đường máu, đường tình dục và nguy cơ dùng chung đồ dùng dính máu (bàn chải đánh răng, dao cạo). Đặc biệt khả năng lây nhiễm virus VGB cao hơn virus HIV từ 50 -100 lần. Trẻ sơ sinh có nguy cơ nhiễm bệnh từ mẹ đến 90% khi người mẹ mang virus viêm gan. Trong khi đó, có đến 10-12% phụ nữ mang thai nhiễm virus VGB mãn tính.
“Nếu trẻ được tiêm vaccine phòng VGB ngay sau sinh 24 giờ thì sẽ có khả năng phòng ngừa đến 90% khả năng lây truyền virus từ mẹ và các nguy cơ nhiễm virus về sau. Nếu tiêm muộn hơn thì chỉ phòng ngừa được 50-57%” – PGS Phu khẳng định.
Hiện chỉ có vaccine VGB nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ dưới 5 tuổi. Tại các cơ sở y tế có tiêm chủng dịch vụ cả vaccine phòng virus viêm gan A, B, C.