Dân Việt

Gặp lại người chỉ huy đánh thắng tàu khu trục

NGUYỄN THANH HẢI 01/08/2015 06:40 GMT+7
Cách đây đúng 51 năm, ngày 2.8.1964, tàu khu trục của Mỹ xâm phạm chủ quyền lãnh hải nước ta, đã bị quân và dân ta đánh tơi bời, buộc phải rút khỏi vùng biển phía Bắc. Chiến công lừng lẫy đó của chiến sĩ Tiểu đoàn 135 là nguồn động lực khích lệ các thế hệ giữ biển tiếp tục tô thắm thêm trang sử vàng của Quân chủng Hải quân.

Người lính già kể chuyện

Chiều cuối tuần, chúng tôi tìm đến xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, TP. Nam Định thăm nhà đại tá Nguyễn Xuân Bột, người chỉ huy Phân đội 3 đánh tàu Maddox của Mỹ ở Hòn Mê, Thanh Hóa, làm nên chiến thắng trận đầu ngày 2.8.1964 của Hải quân nhân dân Việt Nam.

img

Đại tá Nguyễn Xuân Bột kể lại trận đánh năm xưa. Ảnh: Thanh Hải

Ở cái tuổi 86, minh mẫn xem ra còn được mấy người như ông. Ngồi tiếp khách một lúc, ông chậm rãi bước đến chiếc tủ gỗ ở gian phòng khách mang ra cuốn album ảnh đã ố màu, mà theo ông đây là những bức ảnh gắn với cuộc đời ông, vào sinh ra tử. Đó là bức ảnh mà ông chụp được trong những năm tháng sống và chiến đấu trên khắp các vùng biển đảo từ Bắc vào Nam.

Lật giở từng trang, ông Bột kể: “Đêm 31.7.1964, Mỹ cho tàu Madox ký hiệu 731 thuộc Hạm đội 7 xâm phạm vùng biển miền Bắc nước ta. Sáng 1.8.1964 tàu Madox bắn dữ dội vào Hòn Mê, đèo Ngang.  Đêm đó, Bộ tư lệnh Hải quân lệnh cho Tiểu đoàn 135 sử dụng lực lượng của Phân đội 3 (gồm 3 tàu T333, T336, T339) trực tiếp chỉ huy xây dựng kế hoạch, phương án chiến đấu và bí mật xuất kích vào vùng biển Thanh Hóa sẵn sàng đánh địch. Tôi khi đó vừa trên cương vị Thuyền trưởng   tàu T333, vừa kiêm chỉ huy Phân đội trưởng 3. Trước khi cơ động về Hòn Mê,  Phân đội 3 đang huấn luyện chiến đấu ở vùng biển Đông Bắc, nhận được lệnh đánh đuổi tàu khu trục Maddox ở Hòn Nẹ, Thanh Hóa, chúng tôi nhanh chóng làm công tác chuẩn bị, tiến hành xây dựng kế hoạch, phương án chiến đấu và bí mật xuất kích vào vùng biển Thanh Hóa nằm chờ phục kích và sẵn sàng đánh địch”.

Đối chiếu với lịch sử Quân chủng Hải quân, người lính già Nguyễn Xuân Bột hầu như vẫn còn nhớ chính xác từng chi tiết: Hơn 12 giờ hành quân từ Vạn Hoa (Quảng Ninh) Phân đội 3 đã đến vị trí tập kết tại Hòn Mê theo đúng kế hoạch. Lúc 13 giờ ngày 2.8.1964, tàu Madox đã đến phía nam Hòn Nẹ 10 hải lý. Phân đội 3 được lệnh xuất kích đánh địch. Tàu T336 phối hợp với tàu T339 nhanh chóng tiếp cận và phóng ngư lôi vào tàu Madox, địch phóng bom chìm để phá ngư lôi của ta. Tàu T333 tăng tốc độ chiếm lĩnh góc mạn 80, khoảng cách 6 liên và phóng ngư lôi vào tàu Madox, sau đó sử dụng súng 14,5 ly và vũ khí trên tàu, bắn tàu Madox. Buộc tàu Maddox phải rút ra xa khỏi vùng biển Thanh Hóa.

Trận thử lửa vang dội

Sau đó, hòng cứu vãn thất bại của tàu khu trục Madox, trưa 2.8.1964, chúng lại điều động 4 máy bay loại F111 và B52 điên cuồng bắn phá vào các tàu của ta trên biển. Tàu T339 trúng đạn khoang máy, bốc cháy, vỡ ống thoát hơi máy, mất cơ động được tàu thả trôi trên biển, Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tự hy sinh. Thuyền phó Nguyễn Văn Chuẩn mặc dù bị thương vào chân nhưng anh vẫn lết và tiếp tục chỉ huy tàu chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Nói về tương quan lực lượng khi đó, ông Nguyễn Xuân Bột nhớ lại là như “trứng chọi với đá”, tàu khu trục Maddox thuộc loại hiện đại, tối tân bậc nhất của Hải quân Mỹ bấy giờ. Radar của tàu Maddox có thể phát hiện tàu phóng lôi nhỏ ở cự ly 10-14 hải lý. Trong khi đó mỗi tàu phóng lôi của ta chỉ vẻn vẹn 2 quả ngư lôi, 1 bệ pháo 14,5mm và súng tiểu liên canh gác. Theo tính toán của các chuyên gia vũ khí, thông thường phải cần tới 12 tàu với 24 quả ngư lôi, hình thành 4 mặt quạt mới có thể đánh trúng được 1 quả ngư lôi vào tàu khu trục Maddox Mỹ. Dưới biển thì vậy, trên không, 4 máy bay vãi đạn như mưa. “Tinh thần chiến sĩ chúng ta lúc đó quá kiên cường, đạn bay khắp nơi nhưng các pháo thủ vẫn bình tĩnh, bám vị trí, chờ lệnh chiến đấu. Là thuyền trưởng, tôi cũng luôn tính làm sao không để đồng đội bị đổ máu mà vẫn đánh được giặc”.

Dẫu có nhiều mất mát, các chiến sĩ vẫn tiếp tục bám tàu, bám biển để chống trả. Sau những trận đánh cấp tập, tàu Maddox bốc cháy, 1 máy bay bị bắn rơi và một chiếc bị hỏng. Tất cả sau đó tháo chạy.

Kết thúc trận đánh, Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam, Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì và 342 huân chương chiến công các loại cho cán bộ chiến sĩ tham gia trận đánh ngày 2.8.1964. Tập thể Phân đội 3 cùng nhiều cán bộ, chỉ huy, cán bộ kỹ thuật và chiến sĩ đã được tặng thưởng huân chương. 

Sau trận đánh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã trực tiếp gặp gỡ và khen ngợi cán bộ, chiến sĩ các tàu phóng lôi. Đại tướng nói: “Mặc dù đây mới là trận “thử lửa” nhưng chiến thắng của các đồng chí góp phần cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ hai miền Nam, Bắc anh dũng tiến lên, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà”. “Sau lời phát biểu của Đại tướng, ai cũng rưng rưng nước mắt”-     đại tá Bột nhớ lại.