Đổi đời
Biết chúng tôi tìm hiểu phong trào đi Lào làm ăn ở làng mình, ông Võ Biên (70 tuổi) ở làng Hòa Mỹ, xã Lộc Bổn, hất chòm râu trắng như cước tự hào: “Làng đã có gần 10 chiếc xe hơi đắt tiền, xe máy đời mới thì nhiều vô kể”.
Hòa Mỹ là làng có số người đi Lào làm ăn nhiều bậc nhất xã Lộc Bổn với gần 700 người. Trước đây làng vốn rất nghèo, người dân, nhất là thanh niên kéo nhau vào miền Nam làm thuê nhưng kinh tế các gia đình vẫn túng quẫn đủ bề. Cái khó ló cái khôn. Hay tin nhiều người trong tỉnh qua Lào làm ăn nhanh chóng trở nên giàu có, dân làng Hòa Mỹ kéo nhau sang Lào kiếm sống. Người đi trước kéo người đi sau, cha dẫn theo con, anh dẫn theo em… dần dần gia đình nào trong làng cũng có vài ba người đi Lào.
Cũng như làng Hòa Mỹ, từ năm 2000 lại đây, phong trào đi Lào làm ăn ngày càng thịnh hành ở các làng quê của xã Lộc Bổn và xã Lộc Sơn. Theo thống kê, có ít nhất 3.000 người dân ở 2 xã này đang lập nghiệp, kiếm sống trên đất Triệu Voi.
Phong trào đi Lào ngoài làm thay da đổi thịt các làng quê nó cũng khiến làng quê ngày càng thưa vắng người. Trong làng chủ yếu còn lại người già, phụ nữ và trẻ em nên những khi có việc làng, ma chay, cưới hỏi rất bí người. Túi tiền rủng rỉnh nên người dân dần dần bỏ hoang nhiều ruộng vườn bởi không có sức lao động.
Phú quý sinh… bất thiện
Kiều hối đổ về nhiều, đời sống người dân phất lên cũng là lúc các làng quê của các xã Lộc Bổn và Lộc Sơn không còn bình yên. Nhiều loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy xuất hiện khiến người dân bất an. Trưởng Công an xã Lộc Sơn - Nguyễn Khắc Hữu thở dài khi nói về tội phạm ma túy trên địa bàn. Theo ông Hữu, những đối tượng buôn bán ma túy trên địa bàn đều là những người đi Lào làm ăn, vì muốn thêm giàu nên mua ma túy từ Lào đưa về địa phương tiêu thụ.
Trước khi chúng tôi có mặt tại xã Lộc Sơn vài ngày, Nguyễn Kim Trọng (24 tuổi) ở xã này đã bị Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế bắt khẩn cấp vì hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Mẹ Trọng, bà Trần Thị Ty, khóc nức nở khi nói về “đứa con trời đánh” của mình: “Hắn vừa mua cho vợ chồng tui chiếc xe máy đắt tiền, tui mở mày mở mặt với hàng xóm lắm. Khi hắn bị bắt vì mua bán ma túy tui mới biết hắn chỉ vì muốn giàu thêm mà sa chân vào nghề phạm pháp”.
Chuyện người dân đi Lào làm ăn vì muốn thêm giàu nên đưa hàng trắng về quê tiêu thụ như Trọng xuất hiện ngày càng nhiều ở các xã Lộc Sơn và Lộc Bổn. Hơn một năm nay, từ ngày chồng là Nguyễn Tấn Đức (44 tuổi) đi tù về tội mua bán trái phép chất ma túy, đời sống của 5 mẹ con chị Võ Thị Liên rơi vào bước đường cùng. 3 đứa con của chị đã phải bỏ học giữa chừng, đứa út gần 2 tuổi ngày càng còi cọc. Được người cùng làng dìu dắt, Đức sang Lào kiếm sống bằng nghề lái xe.
Năm 2009, thấy ma túy ở Lào rất rẻ, trong khi ở Huế đang khát mặt hàng này, Đức tự nhủ phải “đánh quả” để nhanh giàu. Nhưng Đức đã bị công an bắt quả tang ngay từ chuyến hàng đầu tiên, y phải lãnh 8 năm 6 tháng tù.
Cùng với tội phạm ma túy, tình trạng thanh niên đi Lào về quê tụ tập rượu chè, cờ bạc và đánh nhau cũng ngày càng nóng ở Lộc Sơn và Lộc Bổn. “Ỷ thế có tiền, nhiều đối tượng đi Lào về tự cho mình là “đại ca”, thích đi gây gổ đánh nhau”- ông Nguyễn Cư - Phó Trưởng Công an xã Lộc Sơn kể.
Sau một thời gian đi Lào làm nghề phụ xe, mỗi lần về quê, Võ Văn Côi (22 tuổi) ở xã Lộc Sơn liên tiếp gây ra hàng loạt vụ án. Mới đây, Côi đã cùng nhóm côn đồ trên địa bàn đánh trọng thương ông Trương Văn Phúc - Chánh văn phòng UBND xã Lộc An. Gây án xong, Côi lập tức trốn sang Lào.
Các “đại ca” như Côi xuất hiện ngày càng nhiều ở địa phương từ khi phong trào đi Lào trở nên thịnh hành. Những đối tượng này hết sức manh động, coi mạng người như cỏ rác và lực lượng công an không quản lý nổi. Nhiều người bảo, về Lộc Sơn và Lộc Bổn bây giờ sợ nhất là gặp thanh niên đi Lào về.
“Ết” về làng
Từ khi người dân ùn ùn kéo nhau đi Lào, nhà lầu mọc lên như nấm sau mưa ở Lộc Sơn và Lộc Bổn. |
Dân Huế thường kháo nhau một câu xót xa rằng, ở Lộc Sơn và Lộc Bổn có 3 cái đặc biệt mà các địa phương khác khó sánh được là giàu có, tội phạm nhiều và số người mắc bệnh “ết” cũng lắm.
Người đầu tiên bị mắc căn bệnh thế kỷ ở Lộc Sơn là anh N. P. Đ. Cách đây hơn 7 năm, Đ đã khuất núi khi tuổi đời chưa đầy 30. “Anh về làng với thân thể gầy rộc, toàn thân lở loét rồi qua đời. Người làng bảo tui đi xét nghiệm và kết quả là tui cũng mắc HIV như chồng mình”- chị V.T.H.P (vợ Đ) kể.
Đ cưới vợ được 2 tháng thì sang Lào làm nghề thợ xây. Hầu bao rủng rỉnh, lại xa vợ nên Đ thường tìm đến gái bán dâm để mua vui. Một thời gian sau, thấy sức khỏe giảm sút, Đ nghỉ việc về quê nhưng không hề hay biết mình đã mắc HIV, khiến chị P cũng bị lây bệnh. 7 năm từ ngày mắc HIV, dù sức khỏe vẫn khá tốt nhờ điều trị đúng cách nhưng chị P ít khi bước chân ra khỏi nhà.
“3 tháng tui lên TP.Huế một lần để sinh hoạt trong câu lạc bộ những người nhiễm HIV, còn lại đều quanh quẩn ở nhà chăm sóc đứa cháu vì tui rất sợ những ánh mắt thương hại của người khác”- chị P nói, nét u buồn hằn sâu lên khuôn mặt khắc khổ.
Sau khi bị lây HIV từ chồng cũng là một thanh niên đi Lào, chị N.T.B phải bỏ quê lên TP.Huế tá túc bởi sự xa lánh của người thân và hàng xóm. Chồng chị là anh V.Đ.M đã qua đời vì HIV sau khi từ Lào trở về. Chị B vốn kiếm sống bằng nghề bán quán ăn ở Lộc Sơn, nhưng khi biết tin chị bị lây HIV từ chồng, hàng quán của chị không còn khách lai vãng. Đây cũng là một trong những lý do khiến chị phải rời bỏ quê hương. Tại TP. Huế, ngoài bươn chải để tự nuôi mình, chị B đều đặn đến sinh hoạt tại câu lạc bộ của những người cùng cảnh ngộ.
Chuyện người dân ở Lộc Sơn và Lộc Bổn đi làm ăn ở Lào bị nhiễm HIV rồi về làng làm lây lan sang vợ con đã ở mức báo động. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ít nhất đã có 30 người dân trên địa bàn 2 xã này bị nhiễm HIV do đi Lào hoặc có chồng đi Lào, chưa kể nhiều trường hợp đã tử vong. Và số người mắc bệnh thế kỷ ở 2 địa phương này sẽ không dừng lại ở đó khi số người qua Lào làm ăn ngày càng tăng nhưng ít người làm chủ được bản thân và thiếu kiến thức cần thiết để phòng tránh HIV.
Chị N.T.B ở Lộc Sơn.
An Sơn