Những năm 1960 ở Sài Gòn, bên cạnh gánh hát cải lương Kim Chưởng, Thanh Minh - Thanh Nga, Hương Mùa Thu gây tiếng vang nhờ những vở tuồng của soạn giả kiêm người sáng lập Thu An. Tiếng trống sang canh, Sầu quan ải là hai vở tuồng đưa danh tiếng Hương Mùa Thu lên đỉnh cao của ánh đèn sân khấu với sự tham gia của các nghệ sĩ Út Trà Ôn, Minh Cảnh, Minh Phụng, Hoài Thanh, Phượng Liên, Bạch Mai..
Cô đào Ngọc Hương nổi tiếng với những vai vua chúa trên sân khấu năm xưa, đã đi hát nhà hàng, bữa tiệc để có tiền trị bệnh cho chồng.
Ngọc Hương trở thành đào chính của đoàn vào khoảng năm 1964, sau khi giành được Huy chương vàng giải Thanh Tâm (1963) cho vai chính trong tuồng Ảo ảnh Châu Bích Lệ. Sau đó bà kết hôn với ông bầu Hương Mùa Thu và một tay quán xuyến gánh hát khi chồng tham gia cách mạng.
Sinh năm 1942, nghệ sĩ Ngọc Hương lớn lên trong một gia đình có truyền thống hát bội tại Bến Tre, cùng ba chị em gái là Kim Giác, Hoàng Oanh, Ngọc Lan được ông bà nội dạy ca vọng cổ, múa tuồng một cách bài bản. 10 tuổi, bà bước lên sân khấu trong vở Trụ vương Đắc Kỷ. Năm 1962, bà được mời về thay vai chính của nghệ sĩ Út Bạch Lan trong đoàn Kim Chưởng và diễn các vở Nửa bản tình ca, Cô gái sông Đà, Hai chiều ly biệt, Lá huyết thư... Nhờ làn hơi mượt và thông minh, Ngọc Hương liên tiếp được các ông bầu đoàn hát mời đóng. "Hương ca mùi lắm, người hâm mộ xếp hàng dài chờ đợi sau mỗi đêm diễn", nghệ sĩ Kim Giác, chị gái Ngọc Hương, nhớ lại.
Dưới sự dẫn dắt của cặp vợ chồng Ngọc Hương - Thu An, sau năm 1975, đoàn Hương Mùa Thu dựng nhiều vở gây tiếng vang như Gánh cỏ sông Hàn, Con cò trắng, Lửa phi trường, Bão lửa... "Thời huy hoàng, mẹ tôi nuôi dưỡng, trả lương cho mấy chục nghệ sĩ. Có tiền, bố mẹ mua nhà, mua xe. Gia đình sống sung túc", con dâu của Ngọc Hương, cũng là thành viên đoàn hát, kể.
Vào những năm 1980 khi băng video, cassette cải lương bắt đầu tràn ngập thị trường, từ một đoàn hát nổi danh chỉ biểu diễn ở Sài Gòn, Hương Mùa Thu phải chọn diễn sáu tháng mùa mưa ở Nam Trung bộ, sáu tháng mùa khô mới trở lại thành phố. Suất diễn thưa dần, từ chỗ gắng gượng sống qua ngày với các suất hát chùa, hát đình, đoàn đi đến giải thể. Hai vợ chồng nghệ sĩ bán căn nhà tại trung tâm thành phố để trả nợ nần và chuyển ra ngoại thành sinh sống. Con trai chơi đàn tại nhà hàng, con dâu, vốn là một trong những đào chính chọn buôn bán lặt vặt trước nhà.
Nghệ sĩ Ngọc Hương (giữa) được con dâu và cháu gái dìu ra cửa đón khách. Hiện bà sống cùng gia đình con trai trong ngôi nhà ở quận 12, TP HCM.
Cả nhà sống nhờ thù lao sáng tác của Thu An và thù lao diễn kịch truyền hình của nghệ sĩ Ngọc Hương. "Có lúc gia đình phải ở dưới hầm rạp Xuân Cảnh, Bến Tre", nghệ sĩ Ngọc Hương nhớ về thời kỳ khốn khó nhất.
Cuộc sống bình lặng bị xáo trộn vào năm 2005 khi soạn giả Thu An qua đời vì ung thư phổi.
''Chồng tôi thở bình oxy tại nhà, cộng thêm thuốc men, mỗi ngày tiêu tốn đến hai triệu đồng", nghệ sĩ Ngọc Hương kể. Để có tiền trị bệnh, bà vay bạn bè, người thân, sau đó bán nhà trả nợ, dời sang ngôi nhà khác nhỏ hơn. Nơi ở mới của gia đình lúc đó là ngôi nhà xuống cấp, dột nát, mỗi khi đến mùa mưa, nước tràn vào khiến sinh hoạt khó khăn.
Hiện ở tuổi ngoài 70, Ngọc Hương mắc cùng lúc nhiều căn bệnh. Bệnh tim, phổi khiến bà thở dốc, thường xuyên phải dừng lấy sức giữa cuộc trò chuyện. Nữ nghệ sĩ cũng di chuyển khó khăn do chứng thấp khớp. Đôi mắt mờ đục khiến bà không nhận rõ mặt người, đồ vật hay đường đi.
Bà bảo được tổ nghiệp phù hộ cho giọng hát, nên tuy phải thở dốc, nghệ sĩ vẫn có sức ca được một vài câu vọng cổ tại các đám tiệc, quán nhậu kiếm sống. "Nhiều cũng được hai ba trăm nghìn, trừ tiền xe ôm tôi còn lại hai trăm nghìn đồng, Ít hơn cũng được khoảng năm mươi đến một trăm nghìn đồng. Bình quân thu nhập đi hát đủ tiền đong gạo, mua thức ăn cho cả nhà", Ngọc Hương chia sẻ.
Mới đây, nghệ sĩ bị ngã từ cầu thang tầng hai của ngôi nhà đang ở khiến toàn bộ phần mềm vùng đầu, mặt, cổ bị tổn thương. Tai nạn khiến bà bị đau một bên đầu, không thể nằm nghiêng. Việc đi lại, vệ sinh cá nhân hoàn toàn nhờ người nhà giúp đỡ. Bà không thể tiếp tục đi hát. Mọi chi tiêu trong gia đình trông vào con trai.
Chị Nguyệt - con dâu nghệ sĩ Ngọc Hương - cho biết lương chồng chị khoảng tám triệu đồng một tháng. Một nửa dành để trả góp cho ngôi nhà đang ở, một nửa dành chi tiêu cho bốn người. Từ sau khi mẹ bị tai nạn, chị Nguyệt nghỉ bán hàng ăn sáng, ở nhà trông nom bà. Tranh thủ lúc mẹ ngủ hoặc chưa đến giờ làm vệ sinh cá nhân, chị dặn con gái để mắt bà còn mình chạy qua hàng xóm làm giúp việc theo giờ.
"Ngôi nhà này chúng tôi gán 600 triệu tiền bán nhà cũ để mua. Số còn lại, chủ nhà cho trả góp mỗi tháng bốn triệu đồng. Họ còn giữ sổ đỏ nên tôi không làm gì được. Giá bán được nhà mà có tiền chữa bệnh cho bà, chúng tôi cũng bán", chị Nguyệt nói.
Gia đình đặt một chiếc võng ở chỗ dễ thấy nhất trong nhà để trông nom nghệ sĩ Ngọc Hương. Gần như cả ngày, bà nằm trên võng. Niềm vui duy nhất đối với bà bầu của đoàn Hương Mùa Thu nức tiếng năm xưa chỉ là ngắm những tấm hình kỷ niệm giữa bà và người chồng quá cố.