Dân Việt

Băn khoăn vì nhiều đặc quyền

17/11/2010 06:56 GMT+7
(Dân Việt) - “Thay vì dùng các biện pháp hành chính thì thủ đô nên dùng biện pháp kinh tế - xã hội khác để hạn chế tình trạng nhập cư” - đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nói trong buổi thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô sáng 16-11.
img
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) phát biểu thảo luận dự án Luật Thủ đô.

Không thể dùng biện pháp hành chính

Các giải pháp mà đại biểu Nguyễn Thị Khá đề cập là thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh để giãn dân. Các khu công nghiệp, khu chế xuất, chợ đầu mối, khu dân cư phải kèm theo ký túc xá, nhà trọ, chợ, trường học, các phương tiện giao thông tiện ích đồng bộ.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng cho rằng: Trước khi có Luật Cư trú, các biện pháp hành chính nhằm hạn chế di dân tự do vào các thành phố lớn đã được áp dụng nhưng không hiệu quả. Vì vậy giải pháp cho Hà Nội là quản lý dân cư theo quy hoạch, di chuyển bớt các trường đại học, bệnh viện, cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành, xây dựng các đô thị vệ tinh... chứ không nên dùng biện pháp hành chính.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) lại lo ngại về tình trạng bất bình đẳng về việc hạn chế người nhập cư. Ông Minh nói: "Người nhập cư để có hộ khẩu thường trú ở Hà Nội chỉ có thể là những người được điều động, chuyển công tác hoặc xin việc làm ở Hà Nội. Chẳng lẽ chúng ta lại cấm người có thu nhập khác chứ chưa nói thu nhập thấp. Người ta chỉ đến Hà Nội để tìm kế sinh nhai, theo quy luật "lúa thóc đi đâu nhà kho tới đó"...

Đại biểu Minh e ngại rằng nếu không cẩn trọng, việc thông qua dự luật này sẽ tạo tiền lệ để cho Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, cũng đề nghị sẽ có những luật và cơ chế đặc thù như thế.

Nhiều quy định quá đặc thù

Dự thảo luật có đưa ra 18 cơ chế đặc thù cho Hà Nội. Tuy nhiên, các ĐB cho rằng nhiều cơ chế trong dự thảo luật không thực sự cần thiết. Đại biểu Nguyễn Thị Khá cho biết: Dự thảo luật cho phép thủ đô được sử dụng toàn bộ khoản thu ngân sách vượt thu là không nên mà chỉ nên quy định theo từng năm vì Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương có mức đóng góp lớn nhất cho T.Ư. Ngoài tinh thần cả nước vì thủ đô thì thủ đô cùng nên vì cả nước.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng - ông Đào Trọng Thi cũng cho rằng việc dự luật cho phép Hà Nội ban hành một chương trình giáo dục phổ thông nâng cao riêng là không cần thiết, không hợp lý. Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành cũng đã biên soạn theo quan điểm của phương pháp giáo dục phân hóa. Mặt khác, chương trình hiện hành là nặng và quá tải. Việc quy định thêm một chương trình nâng cao cho học sinh thủ đô có thể là gánh nặng cho phần lớn học sinh.

Phân tích ở góc độ vĩ mô, đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) cho rằng dự thảo luật có nhiều điểm trái, chồng chéo với Hiến pháp và nhiều luật hiện hành. Ông Lợi dẫn ra ít nhất 20 luật liên quan đến dự thảo Luật Thủ đô như Luật Xây dựng, Luật Giáo dục, Luật Đất đai…

"Nếu các luật kia vẫn giữ, Hiến pháp vẫn giữ trong khi lại ban hành Luật Thủ đô như thế này tôi cho là không ổn" - đại biểu Lợi nói.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đề nghị Quốc hội chưa vội vàng thông qua dự án Luật Thủ đô mà nên điều chỉnh, sửa đổi Pháp lệnh thủ đô. Thứ hai, cần sớm xây dựng Luật Đô thị, sửa đổi Hiến pháp để tạo cơ sở pháp lý để xây dựng Luật Thủ đô.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Chỉ hạn chế nhập cư vào... nội thành

Tinh thần xây dựng Luật Thủ đô phù hợp với Hiến pháp. Hà Nội với tư cách là đơn vị hành chính cấp tỉnh của Nhà nước, trước hết và chủ yếu chịu sự điều chỉnh chung của hệ thống pháp luật của đất nước chúng ta. Tuy nhiên, Hà Nội với trách nhiệm là thủ đô thì phải có quy định riêng. Những quy định riêng trong dự án luật này là những quy định bổ sung cho hệ thống pháp luật hiện hành. Những cơ chế, chính sách đặc thù quy định trong dự thảo luật được cân nhắc, lựa chọn trên cơ sở tổng kết 9 năm thi hành Pháp lệnh Thủ đô, đã bám sát yêu cầu thực tiễn đặt ra với thủ đô rồi. Một năm có 176.000 người nhập cư vào nội thành. Dự luật chỉ hạn chế và kiểm soát chặt hơn việc nhập cư vào nội thành chứ không phải tất cả các huyện.