Tranh cãi dường như không thể có hồi kết trước mỗi đợt xét tặng danh hiệu nghệ sĩ. Năm nay, những tranh cãi “nổ” ra gay gắt hơn bao giờ hết khi nhiều nghệ sĩ có nhiều cống hiến không được vinh danh, nhiều nghệ sĩ có thành tích nổi bật bị “đánh trượt” vì vi phạm… đạo đức, nhiều nghệ sĩ “tố” Hội đồng xét duyệt cảm tính, bị mua chuộc, trù dập cá nhân… Nhiều nghệ sĩ khác lại cho rằng quy định xét tặng cứng nhắc, cổ hủ, khiến nghệ sĩ bị thiệt thòi (ví như có nhiều đóng góp, có tài năng, nhưng lại thiếu mất… mấy tháng lao động trong nghề như quy định).
Những tranh cãi quanh chuyện phong tặng nghệ sĩ luôn nóng và luôn... không có hồi kết
Đứng trước câu hỏi về tranh cãi quanh việc xét tặng danh hiệu, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, “Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) là danh hiệu vinh dự Nhà nước được phong tặng cho các nghệ sĩ có phẩm chất đạo đức, tài năng nghệ thuật xuất sắc, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ. Từ năm 1981 đến nay đã thực hiện 8 đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Hiện nay, đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng các danh hiệu này được quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định số 89/2014/NĐ-CP. Tiêu chuẩn thời gian hoạt động nghệ thuật là 20 năm trở lên đối với NSND và 15 năm trở lên đối với NSƯT. Luật cũng không quy định xét đặc cách. Do vậy việc xét tặng các danh hiệu trên phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”.
Trước những dư luận tranh cãi cho rằng quy định còn nhiều khe hở, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đưa quan điểm: “Trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan chức năng sẽ lắng nghe, tiếp thu các góp ý, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện để đề xuất cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các quy định cho phù hợp với thực tiễn”.
Đợt xét tặng danh hiệu nghệ sĩ năm 2015 đang đi đến Hội đồng xét tặng cấp Nhà nước- là cấp cuối cùng. Các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSƯT-NSND năm nay sẽ được đích thân chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng danh hiệu, dự kiến vào tháng 9 tới.