Thí sinh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2015 xem số báo danh tại bảng thông báo Trường THCS Ngô Gia Tự, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Đàm Duy
Theo đó, nếu thí sinh (TS) ở xa trường đăng ký dự thi cần chuẩn bị giấy uỷ quyền rút hồ sơ cho người có thể trợ giúp việc rút hồ sơ khi cần thiết. Mẫu giấy uỷ quyền cần ghi rõ các thông tin về TS ủy quyền ghi trên phiếu đăng ký dự thi và họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân của người được ủy quyền.
Với hồ sơ xét tuyển, TS cần xác định thông tin chính xác về tổ hợp môn thi trong tài liệu Những điều cần biết; nếu trường sử dụng nhiều tổ hợp để xét tuyển cho một ngành thì phải tìm hiểu quy định của trường về độ lệch điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp; tìm hiểu các điều kiện bổ sung dùng để xét tuyển trong trường hợp lấy hết chỉ tiêu mà vẫn còn nhiều TS có điểm bằng điểm dự kiến trúng tuyển; tham khảo điểm trúng tuyển của các năm trước vào ngành dự kiến đăng ký; ghi số điện thoại tư vấn tuyển sinh của trường để liên hệ tư vấn khi có bất cứ vấn đề nào chưa rõ…
Ngoài ra, TS nên lựa chọn nhiều hơn một trường và xếp thứ tự ưu tiên để có thể thay đổi nguyện vọng kịp thời. Sau khi đã chọn được trường phù hợp, TS nên nộp hồ sơ ngay để có thời gian theo dõi thông tin thống kê của trường, kịp thời điều chỉnh nguyện vọng, nếu cần thiết.
Bộ GDĐT cũng lưu ý ngày 1.8, TS bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, thời gian nhận hồ sơ đợt 1 đến hết ngày 20.8.