Học để giảm nghèo...
Ấp Long Ninh ở xã vùng sâu Long Hựu Đông, huyện Cần Đước (Long An) nằm kẹp giữa sông Cần Giuộc và cách tỉnh Tiền Giang bởi sông Vàm Cỏ, lại xa TTDNCG vài chục cây số. Thời gian qua, một số chị em trong ấp có nhu cầu học nghề nấu ăn. Trước yêu cầu của chị em ấp Long Ninh, không ngại khó khăn, Ban Giám đốc TTDNCG lên TP.HCM mời chuyên gia ẩm thực có uy tín của Công ty Văn hóa Đầm Sen xuống dạy nghề nấu ăn cho 35 lao động nữ “chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Lớp học nấu ăn tại ấp Long Ninh. |
Đến ngày 16.6, lớp mở được 2 tuần nhưng không có chị nào nghỉ học. Không chỉ các chị sinh hoạt trong hội phụ nữ, mà các cháu gái vừa đủ tuổi lao động cũng mang sách bút đến học. Chị Đặng Thị Hồng Phương- lớp trưởng cho hay, sở dĩ có nhiều lứa tuổi tham gia học là vì một số chị lớn tuổi hiện đang tham gia dịch vụ phục vụ nấu ăn cho các đám cưới, đám giỗ, tân gia nhà… ở địa phương, các cháu học để dễ xin vào làm ở bếp ăn khu công nghiệp, nhà hàng...
“Hai vợ chồng tôi chỉ có 1.000m2 đất, thu chưa nổi 150 kg thóc, nếu không làm thêm nghề dịch vụ nấu ăn thì khó kiếm thêm tiền nuôi hai con đi học”-chị Ngọc Hạnh- một lao động nghèo trong ấp tâm sự.
Tương tự, vợ chồng anh Trần Minh Tâm, ngụ khu phố 4, thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước cũng bút vở đi học. Năm 2006, anh chị sắm bàn ghế, chén đĩa… đủ 30 mâm cỗ (mỗi mâm 10 người) mở dịch vụ nấu ăn, mỗi năm thu 150 triệu đồng lợi nhuận và giải quyết việc làm cho 20 lao động.
Tháng 9.2010, Hội Nông dân thị trấn đề nghị TTDNCG xuống mở lớp nấu ăn, vợ chồng anh cùng hơn 20 hội viên nông dân được hỗ trợ sách bút theo học như học trò tiểu học. Trong đó, các chị Phạm Thị Lê, Phan Thị Bích Thủy, Lê Thị Rầm thuộc đối tượng nghèo của thị trấn.
“Biết cơ sở của tôi được đào tạo nghề bài bản nên 6 tháng đầu năm 2011, tôi hợp đồng phục vụ hơn 20 đám tiệc, mỗi ngày, tôi trả cho người phục vụ 100.000 đồng, chị em phấn khởi lắm”- anh Tâm kể. Anh Tâm còn cho biết, nhờ học nghề, chị Trần Thị Lê được một cơ sở nấu ăn ở thị trấn Cần Đước nâng lương từ 2,5 triệu đồng lên 3 triệu đồng/tháng.
... Và liên kết 4 nhà
Ngoài trồng lúa, nông dân xã Tân Lân ở huyện Cần Đước còn phát triển nghề chăn nuôi gà. Năm 2011, nông dân xã này nuôi 350.000 con gà, tập trung chủ yếu ở 80 trang trại. Đầu tháng 4.2011, TTDNCG phối hợp với Hội Nông dân và UBND xã mở lớp dạy thú y cho 35 nông dân chăn nuôi gà của ấp Nhà Trường. Lớp học vừa kết thúc sau 2 tháng với 170 tiết học.
“Dù đã nuôi gà hàng chục năm, nhưng nay được học nghề, nông dân chúng tôi hiểu thêm nhiều cái mới, ví như chăn nuôi phải an toàn sinh học, biết phát hiện sớm mầm bệnh trên gà, biết kết hợp kinh nghiệm với kiến thức khoa học trong chăn nuôi để phòng trị bệnh cho gà...”- ông Nguyễn Thành Ngạn - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, kiêm lớp trưởng lớp thú y nói.
Cũng từ nuôi gà, nhiều nông dân đã bước đầu bắt tay liên kết “4 nhà”. Như hộ anh Nguyễn Văn Dũng có trang trại quy mô 10.000 con gà đẻ, qua Hội Nông dân, anh biết Công ty Ba Huân (TP.HCM) xuống xã Tân Lân khảo sát môi trường và quy mô chăn nuôi của nông dân để liên kết đầu tư - thu mua trứng gà nên anh đăng ký theo học nghề thú y do TTDNCG mở. “Nếu không học nghề bài bản làm sao biết cách nuôi gà sạch và có trứng an toàn bán cho Ba Huân lâu dài” - anh Dũng tâm sự.
Khuynh Diệp