Dân Việt

27 bị cáo vụ “đại gia thủy sản" lừa đảo lĩnh án

Hoàng Hạnh 03/08/2015 18:56 GMT+7
Sau 3 ngày nghị án, chiều nay (3.8) TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Công ty TNHH Phương Nam có trụ sở chính tại phường 7, TP Sóc Trăng.

Theo đó, hai cán bộ Công ty Phương Nam gồm: Lâm Minh Mẫn - nguyên Kế toán trưởng nhận 14 năm tù giam về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Trịnh Thị Hồng Phượng - nguyên Phó Giám đốc bị tuyên 12 năm tù giam cùng về tội danh nêu trên.

Riêng 25 bị cáo còn lại là cán bộ các ngân hàng như: Ngân hàng Bưu điện Liên Việt - sở giao dịch Hậu Giang (LPB Hậu Giang), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Sóc Trăng, Vietcombank Sóc Trăng, Sacombank Sóc Trăng và Ngân hàng An Bình (ABbank) chi nhánh Bạc Liêu bị tuyên án từ 2-7 năm tù về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

img

Các bị cáo nghe tuyên án

Trong đó, bị cáo Nguyễn Thế Thắng - nguyên Giám đốc VDB Sóc Trăng bị tuyên phạt 7 năm tù giam; Đỗ Hùng Sở - nguyên Giám đốc LPB Hậu Giang nhận 5 năm tù giam; Nguyễn Thị Bích Dung - nguyên Phó Giám đốc Vietcombank Sóc Trăng 4 năm tù giam…

img

Nguyễn Thế Thắng và Đỗ Hùng Sở (từ trái sang phải) căng thẳng khi nghe tuyên án

Nhóm bị cáo gồm: Lê Hoàng Phong – nguyên trưởng phòng hỗ trợ kinh doanh Sacombank Sóc Trăng; Trương Văn Hùng – chuyên viên khách hàng Sacombank Sóc Trăng và Lê Mạnh Hùng – nguyên Trưởng bộ phận quản lý tín dụng Sacombank Sóc Trăng có mức án nhẹ nhất là 2 năm tù giam.

HĐXX xác định: Tổng số tiền Công ty Phương Nam vay từ năm 2008 đến 2012 của các ngân hàng lên đến trên 16.169 tỷ đồng. Nhưng chỉ sử dụng vốn vay đúng mục đích để duy trì sản xuất kinh doanh là 5.971 tỷ đồng, còn lại hơn 10.198 tỷ được doanh nghiệp sử dụng sai mục đích, chủ yếu là đáo nợ và trả lãi cho các ngân hàng.

img

img

img

Bị cáo Mẫn và 2 cán bộ ngân hàng bị áp giải về nhà tạm giam

img

 Xe chuyên dụng chờ sẵn trước sân tòa trước sự  thẫn thờ của nhiều người thân các bị cáo

Theo hồ sơ tố tụng: Công ty Phương Nam được thành lập năm 1998. Doanh nghiệp này trở thành công ty cổ phần vào năm 2010, vốn điều lệ 295 tỷ đồng. Ngoài Lâm Ngọc Khuân làm Chủ tịch HĐQT còn có 3 cổ đông khác là bà Trần Thị Mỹ; Lâm Ngọc Hân (vợ và con gái ông Khuân) và người cháu trai Huỳnh Phúc Quế (chỉ đứng tên 24% cổ phần nhưng thực tế không góp vốn). Từ khi thành lập đến tháng 9.2012, Công ty Phương Nam kinh doanh thua lỗ trên 996 tỷ đồng.

Để kéo dài hoạt động, cũng như có tiền sử dụng múc đích cá nhân, từ năm 2008 đến năm 2010, ông Khuân chỉ đạo con gái là Lâm Ngọc Hân, Lâm Minh Mẫn lập 19 bản báo cáo tài chính khống, thể hiện kết quả kinh doanh hằng năm đều có lãi, gửi các ngân hàng xin vay vốn và nộp Cục thuế tỉnh Sóc Trăng nhằm đối phó. Hay lập báo cáo hàng hóa là tôm đông lạnh nhập, xuất, tồn nâng khống số lượng trị giá từ 123 tỷ đồng lên hơn 747 tỷ đồng, sử dụng một số chứng từ mua tôm nguyên liệu, chi phí sản xuất photocopy thành nhiều bản, xác nhận sao y bản chính của công ty gửi các ngân hàng để giải ngân và thế chấp vay vốn nhiều ngân hàng...

Trong đó, nguyên Kế toán trưởng Lâm Minh Mẫn cùng với Phó giám đốc Trịnh Thị Hồng Phượng đã ký vào hồ sơ khống theo chỉ đạo, ủy quyền của Khuân. Căn cứ vào những báo cáo tài chính không trung thực này, 5 ngân hàng nói trên đã ký kết nhiều hợp đồng tín dụng với Công ty Phương Nam, tạo điều kiện cho ông Khuân lừa đảo chiếm đoạt của các ngân hàng gần 800 tỷ đồng (Mẫn giúp ông Khuân lừa đảo, chiếm đoạt 471 tỷ đồng; Phượng giúp người này gần 259 tỷ đồng).

Cá biệt, đáp lại sự trợ giúp của Phượng, bị cáo này được ông Khuân chia 10% (tương đương 11 tỷ đồng) cổ phần góp vốn vào công ty con của Phương Nam là Công ty KM Phương Nam.

Sau khi được Mẫn và Phượng trợ giúp lừa đảo và chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của các ngân hàng. Đến khi mất khả năng chi trả, ngày 30.11.2011, ông Khuân cùng vợ bỏ trốn sang Mỹ. Con gái ông Khuân là Lâm Ngọc Hân cũng xuất cảnh trở lại Mỹ vào ngày 11.7.2012 (thời điểm này dư nợ của Cty Phương Nam tại các ngân hàng trên 1.600 tỷ đồng), và đang bị truy nã quốc tế.

Ngoài việc lĩnh án tù, Mẫn và Phượng bị HĐXX buộc mỗi người phải bồi thường cho các ngân hàng trên 392 tỷ đồng. Ngoài ra, hai bị cáo này mỗi người phải chịu án phí sơ thẩm trên 500 triệu đồng.

Riêng số tài sản của Công ty Phương Nam từ việc bán hàng tồn kho (40 tỷ đồng), HĐXX tuyên LPB Hậu Giang được trên 11,3 tỷ, VDB Sóc Trăng 14,8 tỷ, Sacombank Sóc Trăng 6,4 tỷ, ABbank Bạc Liêu 3,6 tỷ và Vietcombank Sóc Trăng 4,4 tỷ.