Dân Việt

Thất thoát lúa ở ĐBSCL: Mất 600 triệu USD mỗi năm

19/06/2011 06:06 GMT+7
(Dân Việt) - Vụ hè thu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bắt đầu thu hoạch. Theo tính toán mới nhất, mỗi năm thất thoát trong và sau thu hoạch lúa ở ĐBSCL lên tới... 600 triệu USD.

Thất thoát mọi công đoạn

Hiện tại ĐBSCL có khoảng 5.000 chiếc máy gặt đập liên hợp (GĐLH) đang được sử dụng, chỉ đáp ứng được 30% diện tích gieo sạ của toàn vùng. TS Lê Văn Bảnh – Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: “Đa số nông dân có diện tích đất nhỏ, manh mún nên khó đưa máy GĐLH vào đồng ruộng. Giá máy khá cao, việc trợ giá để nông dân mua máy còn nhiều bất cập nên thất thoát trong khâu thu hoạch tương đối lớn”.

img
Thu hoạch lúa bằng tay ở ĐBSCL làm thất thoát khá lớn.

Do vậy, phần lớn người nông dân đều phải gặt lúa bằng tay, dẫn tới tình trạng thiếu nhân công ở một số khu vực nên việc gặt lúa bị đẩy lùi tới khi lúa đã quá chín gây thất thoát lớn. Đặc biệt, trong vụ lúa hè thu thời tiết bất lợi nên thất thoát vật chất của vụ này cao hơn 2 - 3% so với các vụ khác.

TS Nguyễn Phú Sơn – Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL tính toán: “Chỉ công đoạn gặt lúa gây ra thất thoát khoảng 400.000 - 600.000 tấn lúa ở ĐBSCL mỗi năm. Giai đoạn phơi khô lại tạo ra thêm thất thoát vật chất và giảm sút chất lượng. Thất thoát vật chất ước tính ở mức từ 1,14% cho vụ thu đông và tới 3,49% cho vụ hè thu, tương đương 400.000 tấn lúa bị mất…”.

Hiện tại ĐBSCL có khoảng 5.000 chiếc máy gặt đập liên hợp đang được sử dụng, chỉ đáp ứng được 30% diện tích gieo sạ của toàn vùng.

Ông Võ Văn Kiếm ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang mỗi mùa vụ thu hoạch gần 10 tấn lúa. Tuy nhiên, hầu hết số lượng lúa đều bán ngay tại ruộng. Ông Kiếm cho biết: “Nông dân thường rất khó trữ được lúa do không có sân phơi và nơi trữ lúa. Khi không bán được lúa, gặp trời mưa là lúa bị ẩm, mốc. Lúc đó lúa bị thiệt hại rất lớn, thường chỉ để cho vịt ăn…”.

Ngoài ra, khi thương lái thu mua, lúa sấy khô hoặc khô một nửa được vận chuyển bằng ghe tới các cơ sở xay xát quy mô nhỏ (50 tấn/ngày). Trước khi được xát, lúa có xu hướng được giữ bên ngoài. Thất thoát vật chất lại xuất hiện ở đây ước tính ở mức 1,7% khoảng 340.000 tấn. Tổng cộng, toàn bộ chuỗi giá trị lúa gạo ĐBSCL đã thất thoát khoảng 600 triệu USD.

Hiện đại hóa để giảm thất thoát

Theo nhiều chuyên gia, để giảm thất thoát trong chuỗi giá trị lúa gạo thì cần hiện đại hóa tất cả các khâu từ thu hoạch cho đến sau thu hoạch. TS Phạm Văn Dư – Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: “Trong thời gian gần đây, khu vực ĐBSCL đang khuyến khích phát triển mô hình cánh đồng mẫu. Nông dân có diện tích đất nhỏ, lẻ được tập trung lại thành những cánh đồng lớn. Từ đó, sẽ dễ dàng trong việc cơ giới hóa, giúp giảm thất thoát trong khâu thu hoạch”.

Chỉ công đoạn gặt lúa cũng đã gây ra thất thoát khoảng 400.000 - 600.000 tấn lúa mỗi năm.

Dự kiến đến năm 2015 toàn vùng ĐBSCL sẽ có 50-60% diện tích lúa được cơ giới hóa trong khâu thu hoạch. Từ đó, giảm đáng kể thất thoát. Ở khâu thu hoạch, tồn trữ cần có sự giúp sức của Nhà nước, nhà khoa học. Chính sách ưu đãi cho nông dân mua máy GĐLH cần được thực hiện bài bản, sâu rộng hơn nữa. Ngoài ra, việc khuyến khích xây dựng các lò sấy lúa, các loại máy xúc lúa, cào lúa… cần được chú trọng để góp phần giảm thất thoát sau thu hoạch.

Hiện tại, tổng năng lực tồn trữ của các công ty kinh doanh gạo ở VN khoảng 2 triệu tấn. Chính phủ đang có chính sách khuyến khích các công ty xây dựng kho tồn trữ thêm 2 triệu tấn nữa, chủ yếu ở khu vực ĐBSCL để giảm thất thoát sau thu hoạch. “Kho tồn trữ bổ sung có thể giảm thất thoát trong những công đoạn sấy, cất trữ và xay xát. Thất thoát trung bình ở giai đoạn này hiện khoảng 9-11% sản lượng lúa” - ông Dư nói.