Thí sinh xếp hàng dài chờ nộp hồ sơ tại ĐH Sư phạm TPHCM.
TPHCM: Công lập hút hồ sơ
Ghi nhận TPHCM ngày 3/8, hàng nghìn thí sinh tại TPHCM và các tỉnh lân cận như Long An, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai… bắt đầu đổ về các trường ĐH ở đây để nộp hồ sơ xét tuyển (HSXT) NV1.
Với mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển 15 điểm, ngày từ 8h sáng, ĐH Sư phạm TPHCM đã đông nghẹt thí sinh và phụ huynh đến tìm hiểu thông tin và nộp HSXT. Ông Lê Ngọc Tứ, Trưởng phòng Đào tạo cho biết: “Sau ba ngày tiếp nhận hồ sơ xét tuyển NV1, nhà trường nhận được khoảng 2.800 HSXT. Riêng trong ngày 3/8, trường nhận được khoảng 1.600 HSXT”.
ĐH Sài Gòn (lấy điểm xét tuyển 16 điểm) cũng đón hàng ngàn thí sinh. Chỉ tính riêng trong hai ngày 1 và 2/8, trường này nhận được khoảng 2.700 HSXT. Tính đến chiều 3/8, con số thứ tự mà trường này phát ra đã lên đến hơn 2.000 số. Tương tự, trường ĐH Công Nghiệp TPHCM (xét tuyển từ 15 điểm) đến thời điểm hiện tại cũng đã nhận được khoảng 2.700 HSXT; ĐH Bách khoa TPHCM hơn 1.600 hồ sơ; ĐH Công nghiệp Thực phẩm hơn 1.000 HSXT…
Trong ngày hôm qua, một số ĐH công lập lấy mức điểm cao cũng có lượng hồ sơ nộp vào nhiều như ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (18 điểm) hiện tại có hơn 2.400 HSXT; ĐH Kinh tế TPHCM cũng nhận được gần 1.900 HSXT; ĐH Nông Lâm TPHCM nhận xét tuyển từ 17 điểm cũng nhận được gần 1.500 HSXT; ĐH Luật TPHCM (mức nhận hồ sơ là 19 điểm) nhận được 535 HSXT (hai ngày trước đó nhận chưa tới 20 HSXT); Trường ngoài công lập ĐH Hoa Sen nhận được khoảng 750 HSXT (mức điểm xét tuyển từ 15-18 điểm tùy ngành)…
Hà Nội: Trường top 1 vẫn còn nhiều chỉ tiêu
Chốt ngày cuối cùng của chu kỳ đầu tiên 3 ngày 1 lần cập nhật thông tin xét tuyển ĐH - CĐ, hầu hết các trường đều còn từ một đến vài ngàn chỉ tiêu. ĐH Xây dựng (3.300 chỉ tiêu) mới nhận 400 HSXT; Học viện Báo chí tuyên truyền (1.550 chỉ tiêu) mới có hơn 300 HSXT; Học viện Bưu chính viễn thông 500 HSXT; ĐH Bách khoa HN (6.000 chỉ tiêu) nhận được 1.800 HSXT; ĐH Kinh tế Quốc dân (4.800 chỉ tiêu) nhận được 1.000 HSXT; ĐH Hàng hải Hải Phòng (3.200 chỉ tiêu) nhận được hơn 900 HSXT; ĐH Y Hà Nội (1.000 chỉ tiêu) nhưng mới nhận được gần 200 hồ sơ; ĐH Ngoại thương có 3.450 chỉ tiêu nhưng cũng mới nhận được 1.000 HSXT…
Nhìn chung sau 3 ngày đầu, trung bình các trường top 1 khu vực phía Bắc vẫn còn từ 1.000 đến 4.000 chỗ học cho thí sinh. Lý giải hiện tượng này, ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và công nghệ HN cho rằng, một phần do thời tiết quá xấu trong mấy ngày qua nên thí sinh từ các tỉnh xa có khó khăn trong việc về Hà Nội nộp hồ sơ, đặc biệt trong lúc thí sinh còn rất nhiều thời gian để cân nhắc.
Yên ắng trường ngoài công lập
Trong khi tuyển sinh ở các trường công lập đang sôi động thì trường ngoài công lập vẫn đang yên ắng… chờ đợi. Tại Hà Nội, ĐH Thăng Long tuyển 1.900 chỉ tiêu và mới nhận được 200-300 hồ sơ; ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN cũng mới chỉ nhận được rất ít HSXT. Nhận định về điều này, ông Vũ Văn Hóa nói: Phần vì do thời tiết xấu, khiến các thí sinh từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình… chưa đến được, nhưng lý do chính là các trường ĐH công lập tuyển sinh từ điểm sàn hoặc chỉ hơn sàn một vài điểm. Điều này không chỉ gây khó khăn cho các trường ngoài công lập mà còn gây khó cho các trường ĐH, CĐ công lập ở khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam bộ.
Tại TPHCM, dù lấy điểm xét tuyển chỉ bằng mức điểm sàn nhưng lượng hồ sơ nhận vào vẫn không nhiều. Cụ thể, trường ĐH Công nghệ TPHCM nhận được khoảng 600 hồ sơ; ĐH Nguyễn Tất Thành 483 hồ sơ chủ yếu tập trung ngành Dược (khối B); ĐH Văn Hiến khoảng 350 hồ sơ; ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM chỉ mới hơn 100 hồ sơ…
Thứ tự xếp hạng “chưa nói lên điều gì”
Theo đúng lịch trình của Bộ GD&ĐT, cứ ba ngày một lần, các trường ĐH, CĐ phải cập nhật danh sách xếp hạng tạm thời để thí sinh nhìn vào đó, đưa ra quyết định chuyển ngành, chuyển trường cho phù hợp. Tuy nhiên, tính đến chiều tối 3/8, chỉ một số trường làm kịp yêu cầu này mà thôi.
Trường ĐH Kinh tế Luật (ĐHQG TPHCM) tối 3/8 công bố danh sách xếp hạng thí sinh tạm thời. Cụ thể, ở ngành Kinh tế đối ngoại, mức điểm cao nhất hiện tại là 27 điểm; Luật Tài chính - Ngân hàng: 26 điểm; Kiểm toán: 27 điểm. Mức điểm trung bình dao động từ 20-23 điểm, rất ít thí sinh có mức điểm 16-17. Một trường khác thuộc hệ thống ĐHQG TPHCM là ĐH Công nghệ Thông tin cũng có điểm số tương đối cao, dao động từ 20-22 điểm, mức điểm cao nhất đến hiện tại khoảng 27 điểm…
Trường ĐH Kinh tế TPHCM với mức điểm nhận hồ sơ từ 18 điểm có gần 1.900 hồ sơ đăng ký, thứ tự xếp hạng tạm thời một số ngành nổi trội như ngành Kinh tế, thí sinh cao điểm nhất: 25,5 điểm; thí sinh có điểm xét tuyển cao nhất ngành Marketing và Quản trị Kinh doanh là 25,75 điểm. Mức điểm 20-22 điểm khá nhiều. Ông Trần Thế Hoàng, trưởng phòng Quản lý Đào tạo - Công tác sinh viên trường Đại học Kinh tế TPHCM cho biết: “Năm nay trường tuyển 4.400 chỉ tiêu trong khi chỉ mới nhận được khoảng 2.000 hồ sơ và thời gian xét tuyển vẫn còn dài nên thứ tự xếp hạng này chưa nói lên được điều gì”.
ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết đã nhận được những hồ sơ cao nhất là 29, 30 điểm và dự báo những thí sinh đạt tầm 8 điểm/môn mới có khả năng đỗ vào các ngành cao của trường này; ngành thấp sẽ khả quan đối với thí sinh ở tầm điểm 20. Ông Mai Đức Ngọc, Trưởng phòng đào tạo Học viện Báo chí tuyên truyền cho biết, ngày 12/8 trường sẽ tổ chức thi môn năng khiếu và ngày 15/8 công bố. Sau ngày 16/8 thí sinh không trúng tuyển được rút hồ sơ để nộp sang ngành khác cùng trường.
Ông Khiêm, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Hàng hải Hải Phòng dự báo điểm chuẩn tuyển sinh khối ngành tàu biển khoảng 15-16 điểm, khối kỹ thuật công nghệ 16-19 điểm, khối kinh tế 19-22 điểm.
Vì sao nhiều trường chưa cập nhật kịp thông tin? Một số trường ĐH vẫn chưa cập nhật kịp thông tin vì nhiều nguyên do, trong đó, có phần liên quan đến phần mềm chung của Bộ GD&ĐT. Ông Lê Ngọc Tứ, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Sư phạm TPHCM cho biết: “Phần mềm tuyển sinh của Bộ cung cấp, do lần đầu sử dụng nên việc nhập dữ liệu chưa quen. Tính đến thời điểm cuối ngày 3/8, trường chỉ mới nhập được hơn 1.000/2.800 hồ sơ nên phải đến ngày 4/8, trường mới công bố thứ tự xếp hạng tạm thời được”. ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Hoa Sen; ĐH Nông - Lâm TPHCM… cũng chưa công bố kịp thứ tự xếp hạng. Ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Nông Lâm TPHCM cho rằng, phần mềm của bộ giáo dục tương đối rườm rà vì mỗi ngày trường phải tổng hợp thành file thô gửi ra cho Bộ, sau đó, Bộ gửi vào lại mới đưa lên web. Nguyễn Dũng |