Chặt trộm cả cây lẫn trái
Dù thừa biết chuyện thu hái cà phê xanh không chỉ làm giảm chất lượng sản phẩm, giá bán thấp, mà còn làm cho năng suất vườn cây năm sau ảnh hưởng không tốt, nhưng bà Hồng ở thôn Túy Sơn, xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) vẫn phải chấp nhận thu hoạch tươi: "Chỉ mới bắt đầu vào vụ thu hoạch thôi mà nạn trộm cà phê đã xuất hiện với mức độ ngày càng táo bạo hơn, nên chúng tôi lo lắm".
Vườn cà phê bắt đầu cho thu hái cũng là lúc nỗi lo của nhà vườn ở Đà Lạt trở nên thường trực. |
Ông Ngô Xuân Dũng - Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ cho biết: "Cả xã Xuân Thọ có 540ha cà phê, trong đó có 487ha cho thu hoạch. Cà phê Xuân Thọ nói riêng và cà phê Đà Lạt (chỉ Đà Lạt mà thôi) là cà phê moka - giống cà phê cho sản phẩm được đánh giá là số một thế giới hiện nay bởi chất lượng của nó (cao hơn cà phê chồn).
Do vậy, các vườn cà phê ở Xuân Thọ, Xuân Trường… hiện đang là "đích ngắm" của kẻ trộm. Vừa rồi, trên địa bàn xã Xuân Thọ đã xảy ra một vụ trộm cà phê khá táo tợn: Tại thôn Túy Sơn, gia đình ông Đào Duy Thăng đã bị 4 kẻ gian lợi dụng đêm tối trời, vườn cà phê ở xa khu dân cư, đã vào chặt trộm một số lượng lớn cây cà phê đang chín tới, quy ra cà phê quả tươi lên đến trên 400kg (cà phê moka Đà Lạt hiện đang có giá 11.000 đồng/kg tươi, tương đương 42.000 đồng/kg khô).
Cũng ngay trên địa bàn thôn Túy Sơn , mới đây vườn cà phê của gia đình ông Trần Bê cũng bị kẻ gian triệt hạ trên 150 gốc, tính ra cũng phải vài ba trăm kg cà phê tươi. Suốt tuần nay, cả nhà ông Bê và ông Thăng phải ăn ngủ ngay trong rẫy để canh kẻ trộm.
Xuân Thọ chỉ là một trong những "điểm nhỏ" của nạn trộm cắp cà phê ở Lâm Đồng - tỉnh có đến 138.000ha cà phê với sản lượng trung bình hằng năm là 300.000 tấn.
Thêm chiêu lừa mới
Theo cách tính của Sở NN&PTNT Lâm Đồng, trung bình 1ha cà phê phải cần đến 2 lao động thu hoạch ròng rã trong vòng ít nhất là 2 tháng. Như vậy, 130.000ha cà phê của tỉnh Lâm Đồng sẽ cần đến một số lượng lao động khá lớn.
Lợi dụng tình hình thiếu lao động trong vụ thu hoạch cà phê, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong những ngày qua đã xuất hiện một số chiêu lừa đảo mới. Tại huyện Di Linh, bà Nguyễn Thị Liệu (ở khu phố 6, thị trấn Di Linh) được một người chạy xe ôm "dẫn mối" 3 lao động đến giao tận nhà với giá rẻ 180.000 đồng/người, trong khi giá phổ biến phải trả cho cò xe ôm hiện nay là 300.000 đồng/người.
Bà Liệu mừng rơn, móc ngay tiền trả cho cò xe ôm. Nhưng đến hôm sau, 3 "lao động" này đã biến mất. Cũng tại thị trấn Di Linh, hai chủ vườn cà phê khác là chị Trần Thị Hường (khu phố 8) cùng với người chị của mình đã cho một lao động đến xin làm thuê tên là Lương Thanh Tòng ứng trước số tiền trên 2,3 triệu đồng để "về quê tìm thêm người" và Tòng đã đi biệt tăm.
Mới đây, Công an tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các địa phương trong tỉnh, nhất là các địa phương trọng điểm cà phê tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm chống nạn trộm cắp cà phê để người dân yên tâm với vườn cà phê đang bắt đầu chín tới.
Ở cấp xã, hầu như xã nào trong tỉnh hiện cũng đã thành lập tổ tự quản đến thôn, mỗi đội có từ 12 - 14 thành viên, nhưng chưa biết những tổ tự quản này có ngăn được lũ trộm hay không.
Trộm cà phê trước mặt chủ vườn
Theo thống kê chưa đầy đủ, tại Gia Lai đến thời điểm hiện nay đã xảy ra 58 vụ trộm cắp cà phê tại các huyện Ia Grai, Chư Păh, Chư Sê, Đăk Đoa, Mang Yang… Tại nhiều địa phương, các nhóm trộm liều lĩnh nhân lúc vắng người lẻn vào nhà rẫy ngang nhiên khuân những bao cà phê đã được chủ rẫy sắp xếp cẩn thận chuẩn bị bán.
Riêng tại xã Ia Sao, huyện Ia Grai, từ đầu năm đến nay đã xảy ra hơn chục vụ trộm thể hiện sự liều lĩnh của bọn trộm. Nhà bà Vy vừa thu hoạch cà phê đã bị kẻ trộm đột nhập vào nhà khuân cà phê đi ngang nhiên trước mặt bà và sẵn sàng chống trả khi bà la lớn tiếng…
Tại huyện Đăk Hà (Kon Tum), một số vụ trộm xảy ra ngay trên Quốc lộ 14 khi tài xế xe tải chở cà phê dừng lại ăn uống ven đường, kẻ trộm liều lĩnh dùng dao rạch bạt xe, khuân bao cà phê xuống. Nạn trộm cắp cà phê táo tợn cũng đang diễn ra liên tục tại các huyện Ea H'leo, Krông Puk (Đăk Lăk), huyện Đăk Mil (Đăk Nông).
Nhóm PV
Võ Khắc Dũng