Dân Việt

Thuận với thiên nhiên và hiệu quả kinh tế

19/06/2011 00:51 GMT+7
(Dân Việt) - Người xưa thuận với thiên nhiên ngay cả trong chăn nuôi, việc nuôi heo chung với gà là một minh chứng thú vị.

Khoa học, hãy bớt kiêu ngạo !

img

Nếu biết cách tính toán, nuôi heo cỏ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhà kinh tế được giải Nobel Friedrich Hayek trong diễn từ nhận giải thưởng này vào năm 1974 đã đề nghị không nên có Giải Nobel kinh tế. Hayek cho rằng cái gọi là khoa học kinh tế chẳng qua là sự “ngụy tạo tri thức”.

Theo Hayek, người ta không thể áp dụng các phương pháp của khoa học tự nhiên như toán học và vật lý học để thu thập, đo lường các hiện tượng trong xã hội để rút ra các quy luật, các lý thuyết và dự báo sự vận động; rằng kinh tế và xã hội là tập hợp vô số những hiện tượng phức tạp đan xen tương tác nhau của hàng tỷ ý chí, lợi ích, sở thích của từng con người riêng lẻ, không có bất cứ một bộ óc nào đủ khả năng thâu tóm hết; rằng người ta chỉ biết những gì người ta có thể biết, đo lường được những gì mà người ta có thể đo lường được mà thôi; rằng những dữ liệu của hiện tượng mà chúng ta biết chẳng đáng vào đâu so với bản chất của hiện tượng và rất nhiều khi không phải là dữ liệu chính. Chủ nghĩa “duy khoa học” là sai lầm tai hại của con người trong thế kỷ 20.

Nassim Nicholas Taleb, tác giả cuốn sách “Thiên Nga Đen” (Black Swan) nổi tiếng cho rằng Hayek chỉ đúng một phần. Ông cho rằng các phương pháp của khoa học tự nhiên cũng rất có giới hạn khi giải thích các hiện tượng tự nhiên, rằng ngay cả phương pháp trong một lĩnh vực hẹp cũng không đủ để giải thích chính lĩnh vực đó, vì tự nhiên dù “hẹp” đến bao nhiêu cũng vô tận vô cùng.

Tôi phải viện dẫn hai tác giả trên để giải thích thắc mắc có thể có của một số bạn đọc: “Những gì trên chân ruộng đã được khoa học chứng minh công nhận chưa ?”. Cũng xin nói thêm, con người đã tự mình biết cây lá nào ăn được và cây lá nào không trước khi khoa học giải thích cái lành và cái dữ của từng loài cây lá. Tổ chức Y tế thế giới gần đây cũng khuyến nghị nhân loại nên sử dụng những thức ăn của các chủng tộc có lịch sử lâu đời để phòng chữa bệnh. Điều đó cho thấy khoa học đã bắt đầu bớt kiêu ngạo.

Heo – gà : “Tri âm tri kỷ”

Như đã nói ở phần trước, người viết bài này không có ý định kêu gọi “nông thôn hóa thành thị”, nhưng nếu không khôi phục lại những gì còn lại xung quanh chân ruộng thì trước sau gì nòi giống người Việt ta cũng sẽ bị thoái hóa. Yêu nước, khi cần thiết thì cầm súng. Nhưng phải hiểu được mảnh đất này, cũng như phải hiểu được vùng biển, vùng trời này, thì mới thấy Tổ quốc của mình là vĩ đại, mới xóa được thân phận nhược tiểu, vong bản, vong thân. Không hiểu thì làm sao có thể tự hào, làm sao mà biết trân trọng gìn giữ, làm sao có thể ngẩng cao đầu mà yêu nước !

Trước khi kết thúc loạt bài này, xin dẫn một việc “thuận với thiên nhiên” cụ thể mà cha ông ta từng áp dụng. Đó là chuyện nuôi heo, nuôi gà. Những bà con làm nghề chăn nuôi có kinh nghiệm cho biết: Người dân nuôi heo theo phương thức công nghiệp “đúng chuẩn” thì lời rất ít, chủ yếu là “lấy công làm lãi”. Một con heo nuôi 4 tháng cho 1 tạ thịt (100 kg), nhưng để được 1kg thịt thì phải mất 8kg cám công nghiệp, cộng với thuốc tăng trưởng, dịch vụ thú y và thuốc phòng chữa bệnh. Tính ra trong 100kg thịt, người chăn nuôi lời được khoảng trên dưới 1 kg. Chuyện bị lỗ trong nuôi heo cũng không phải ít xảy ra.

Hãy tính hiệu quả nuôi heo cỏ theo cách của cha ông ta. Người xưa thường thả heo cỏ trong vườn, thức ăn dành cho chúng là cỏ, chuối cây và rau lá, thêm một ít nước cơm, cám gạo, cám bắp là xong. Một con heo cỏ nuôi trong 6 tháng đạt chừng 60kg. Do chi phí rất thấp, nên lời ròng khoảng 50kg. Nếu tính theo thời giá hiện nay thì giá heo cỏ đắt từ gấp rưỡi đến gấp đôi giá heo công nghiệp; gần đây người Trung Quốc tăng cường sang “thu mua” nên giá còn đắt hơn. Và điều lý thú nữa là trong vườn còn nuôi thêm một bầy gà “cộng sinh” với heo.

Con heo là động vật bị thuần hóa lâu đời, nó vốn không ăn động vật, nhìn con heo rừng thì biết trước đây heo nhà ăn gì, heo rừng hoàn toàn không biết ăn thịt. Heo thường ăn cỏ hoa rau lá và củ. Đặc biệt, heo rất thích ăn hoa, mà ăn nhiều hoa (hoa rau lang, hoa cải trời …) thì thịt càng thơm ngon. Người xưa rất hiểu đặc tính của con heo và con gà nên thường nuôi gà chung với heo. Ông Ưng Viên bảo heo với gà là láng giềng tốt, là “tri âm tri kỷ” của nhau. Vì sao vậy? Thứ nhất, rắn rất sợ heo. 10 con rắn độc mà lại gần heo thì chết hết 9. Rắn hổ mang mà lại gần thì kiểu gì cũng bị heo cắn đứt đầu, còn rắn hổ mây khi thấy heo là co rúm lại, không bao giờ dám tới gần. Các loài chồn thấy heo cũng rất sợ. Chồn và rắn thì thích ăn gà, gà bao giờ cũng sợ hai thứ đó. Dân ta nuôi heo trong vườn để phòng chồn và rắn bắt gà.

Thứ hai, con heo rất sợ rết và bò cạp. Nếu bị bò cạp cắn thì mình con heo đỏ bầm lên rồi chết. Nếu bị rết cắn, heo sẽ sinh bệnh. Con gián cũng gây bệnh cho heo. Nhưng con gà là khắc tinh của các loài này. Trong vườn mà có rết, bò cạp, gián, đều bị gà ăn sạch. Cho nên, người xưa nuôi gà để làm “vệ sĩ” cho heo. Gà còn “làm vệ sinh” cho heo, mỗi buổi sáng sau khi những con heo ăn xong thường tề tựu im để cho đàn gà rỉa tất cả các côn trùng, sinh vật và thức ăn rơi vãi bám vào heo. Con gà cần cù chăm chỉ, giúp cân bằng sinh thái trong vườn tược.

Thịt heo là món ăn truyền thống, là thực phẩm thích ứng hoàn toàn với cơ thể người Việt. Người thành thị đang có “khuynh hướng” tìm ăn heo cỏ, trong khi ít người nghĩ đến việc khôi phục lại cách nuôi heo cổ truyền. Thịt gà cũng là món ăn quen thuộc của dân ta và hiện nay món “gà thả vườn” được ham chuộng do gà nuôi theo kiểu truyền thống ăn ngon hơn và ăn vào không bị nhức mỏi như ăn gà nuôi nhốt.

Chỉ một cách chăn nuôi “thuận với thiên nhiên” thôi mà lợi đơn lợi kép, các nhà khoa học, các nhà kinh tế có tính được chăng?