Dân Việt

Vĩnh biệt nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn: Linh hồn đã thành mây bay

Thể thao & Văn hóa 04/08/2015 17:04 GMT+7
Nhà văn Võ Phiến nhận định thơ Nguyễn Bắc Sơn “ngông nghênh và ngang tàng”. Ông được xem như một nhà thơ phản chiến bằng chính các sáng tác của mình.

Thông tin từ người thân của nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn, cho biết: ông qua đời do mắc bệnh tim lúc 8h50 sáng ngày 4.8 tại nhà riêng ở TP.Phan Thiết (Bình Thuận), hưởng thọ 72 tuổi.

Làng văn miền Nam biết đến Nguyễn Bắc Sơn qua tập thơ Chiến tranh Việt Nam & tôi, với giọng thơ đặc trưng “ngông nghênh và ngang tàng”. Gọi là Chiến tranh Việt Nam & tôi, song chính thân phận của tác giả và bạn bè cùng lứa với ông trong chiến cuộc mới là nhân vật chính làm cho tập thơ này được nhiều người yêu thích.

img

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn - tác giả Chiến tranh Việt Nam & tôi

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn đã chọn thân phận con người làm điểm tựa cho các sáng tác của ông. Giữa khói lửa chiến tranh, ông viết về chính mình và cũng là hình ảnh của nhiều thanh niên miền Nam một thời khi buộc phải cầm súng đối mặt với sống chết: “Lũ chúng ta sống một đời vô vị / Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau / Chọn trời đêm làm nơi đốt hỏa châu / Những cột khói giả rồng thiêng uốn khúc / Mượn bom đạn chơi trò pháo tết / Và máu xương làm phân bón rừng hoang” – Chiến tranh Việt Nam & tôi”.

Thơ ông “ngông nghênh và ngang tàng” nhưng thấm đẫm tình người, chính điều này khiến người đọc thơ ông ấn tượng mãi: “Đôi lúc nghĩ trời sinh một mình ta là đủ / Vì đám đông quấy bẩn nước hồ đời / Nhưng nghĩ lại trời sinh thêm bè bạn / Để choàng vai ấm áp cuộc rong chơi – Mai sau dù có bao giờ”.

Phận người trong chiến cuộc mong manh, nghĩ đến phút giây sinh tử có thể ập đến bất cứ lúc nào, nên nhà thơ viết: “Mai ta đụng trận ta còn sống / Về ghé Sông Mao phá phách chơi / Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm / Đốt tiền mua vội một ngày vui / Ngày vui đời lính vô cùng ngắn / Mặt trời thoắt đã ở phương tây / Nếu ta lỡ chết vì say rượu / Linh hồn ta chắc sẽ thành mây bay”. 

Người in tập thơ Chiến tranh Việt Nam & tôi là nhà thơ Hoàng Đình Huy Quang, lúc đó là chủ một nhà in tại thị xã Tuy Hòa, Phú Yên. Sau này ông Hoàng Đình Huy Quang lấy bút danh là Huỳnh Quang Nam, từng làm Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Phú Yên.

Sau 1975, Nguyễn Bắc Sơn vẫn sống trên quê hương Phan Thiết, như ông viết: “Dẫu cố xứ là nơi đen bạc/ Bỏ đi biền biệt cũng không đành”. Thêm một lý do nữa để Nguyễn Bắc Sơn gắn bó với quê hương khi cha ông tham gia hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Ông cụ qua đời năm 1976 do tai nạn giao thông khi mang quân hàm trung tá. 

Mãi đến năm 1995, nhà văn Đoàn Thạch Biền đã bỏ tiền túi ấn  hành tập thơ thứ hai cho Nguyễn Bắc Sơn. Tập Ở đời như một nhà thơ Đông Phương” do NXB Trẻ cấp phép, có nhiều bài rút ra từ tập thơ Chiến tranh Việt Nam & tôi cùng một số bài thơ mới của Nguyễn bắc Sơn được bạn bè lưu giữ.

Thơ “ngông nghênh và ngang tàng” là thế nhưng nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn thì hiền khô. Nhà văn Đoàn Thạch Biền, kể: “Tôi thích thơ Nguyễn Bắc Sơn với những câu: “Vì đàn bà người nào cũng như người nấy/ Nên dặn lòng thôi hãy cố quên em/ Nhưng đâu phải đàn bà người nào cũng như người nấy/ Nên suốt đời ta nhớ nhớ quên quên”. 

img

Bản in tập thơ Chiến tranh Việt Nam & tôi năm 1972

Hồi đó, nhà văn Đoàn Thạch Biền đọc báo thấy giới thiệu Nguyễn Bắc Sơn từng dạy võ, dạy đàn nghe rất… oách. Đoàn Thạch Biền nói: “Tôi tìm đến nhà ông và mời ông đi uống bia. Đang ngồi thì nghe giọng nữ kêu: “Hải đâu, Hải đâu”. Lập tức ông đứng lên, nói: “Vợ mình gọi về. Phụ nữ rắc rối lắm, mình lại có võ và nóng tính. Thôi để mình về cho yên chuyện”.

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn tên thật Nguyễn Văn Hải, ông sinh năm 1944 tại Phan Thiết. Lễ nhập quan nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn lúc 19h ngày 4.8, lễ viếng đến hết ngày 5.8 tại nhà riêng (43/17 đường Trần Lê, Phường Đức Long, TP. Phan Thiết). Sáng sớm 6.8 sẽ di quan hỏa táng tại Vũng Tàu.