Dân Việt

“Cha đẻ” của những chiếc máy thần kỳ

21/06/2011 15:33 GMT+7
(Dân Việt) - Với việc sáng chế ra nhiều loại máy nông - ngư nghiệp có nhiều tính năng ưu việt, ông Trần Quang Phụ (thôn An Xuân, Quảng An, Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) được coi là "cha đẻ" của những chiếc máy thần kỳ.

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, năm 1968, ông Phụ đang học lớp 5 thì bố mắc bệnh mất, do không có tiền thuốc thang. Mẹ ông từ đó cũng đau yếu luôn. Gia đình khó khăn, ông phải bỏ dở chuyện học lên TP. Huế tìm thầy học, nghề sửa máy.

Sắt vụn thành... tiền tỷ

img

Máy bơm nước ông Phụ ưu việt hơn nhiều so với máy bơm nước Nhật Bản.

Năm 1975, ông về quê mở xưởng sửa chữa cơ khí tại nhà. Ngày đó ở Quảng An cũng như huyện Quảng Điền là vùng trũng của tỉnh, sản xuất nông nghiệp khó khăn do không có máy tiêu úng. Để giúp ND giải phóng sức lao động, ông bắt tay nghiên cứu sáng chế máy bơm nước rồi tiến tới sản xuất hàng loạt.

"Hồi đó, trên thị trường có máy bơm nước của Nhật Bản nhưng giá cao, chỉ nhà rất giàu mới mua được. Máy bơm nước của tui bán rẻ hơn máy của Nhật từ 8-10 lần, lại bơm được nhiều nước hơn nên tiêu thụ rất mạnh"- ông Phụ kể. Đến thời điểm này, vẫn chưa có loại máy bơm nào trên thị trường ưu việt hơn máy bơm do ông chế tạo. Máy bơm của ông vẫn bán rất chạy, nhất là ở khu vực miền Trung. Mỗi năm ông xuất xưởng hàng trăm chiếc.

Sau máy bơm, ông tiếp tục chế tạo máy sục khí thủy sản, máy thổi lúa, máy xay xát, máy múc đất, phà đổ đất tự động... Tất cả những máy này đều làm từ sắt vụn, nhưng tính năng ưu việt hơn nhiều lần so với các loại máy có trên thị trường. Đặc biệt, máy múc đất đa năng của ông có thể sử dụng được cả trong nông - ngư nghiệp và xây dựng, bất kể điều kiện địa hình phức tạp nào. Có được ưu thế đó, bởi máy có cần tự động, có thể múc đất xa nhất là 30m, trong khi máy của Nhật chỉ có thể múc đất trong giới hạn 5m.

Hầu hết các công trình lớn trên địa bàn tỉnh đều thuê máy múc đất của ông Phụ, hoặc thuê ông đến chế tạo máy phù hợp với yêu cầu của công trình. "Tui vừa bán một máy múc đất cho một doanh nghiệp ở Nghệ An giá hơn 300 triệu đồng. Tui đang sản xuất thêm mấy máy nữa theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp"- ông Phụ cho biết.

Ân nhân của người nghèo

img Tui vừa bán một máy múc đất cho một doanh nghiệp ở Nghệ An giá hơn 300 triệu đồng. Tui đang sản xuất thêm mấy máy nữa theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. img

Ông Phụ ngày nào cũng bận túi bụi. Ngoài thời gian làm việc tại xưởng cơ khí, ông liên tục được các doanh nghiệp "bắt cóc" để sửa chữa, hay chế tạo các loại máy đa năng, thông minh. Ông nhiều lần được mời ra Nghệ An, Hà Nội, vào TP.Hồ Chí Minh để sửa chữa các loại máy phức tạp mà các kỹ sư giỏi bó tay.

Ông cũng hay bị "làm phiền" bởi các đoàn tham quan và nhiều kỹ sư tìm về học hỏi kinh nghiệm chế tạo, sửa chữa máy móc. "Vừa có mấy kỹ sư ở TP. Hồ Chí Minh ra cơ sở của tôi. Tận mắt chứng kiến khả năng sáng chế và sửa máy móc của tui, ai cũng thán phục"- ông Phụ kể.

Sau 36 năm mở xưởng ở quê nhà và trở thành tỷ phú, ông Phụ đã giúp đỡ không biết bao nhiêu ND nghèo. Hiện, xưởng của ông đang có 14 lao động với thu nhập cao. Ông cũng đã giúp rất nhiều hộ nuôi tôm trong huyện đào và cải tạo hồ nuôi, đến mùa thu hoạch, ông mới lấy tiền công giá rẻ. Nhiều hộ nuôi tôm bị dịch bệnh đã được ông xóa nợ. "Nhiều hộ tui cho vay hàng trăm triệu đồng. Mình có điều kiện hơn, không đành lòng thấy họ khó khăn"- ông tâm sự.