Burning man, Mỹ Nếu du khách đang tìm kiếm một lễ hội nghệ thuật độc đáo và ấn tượng thì Burning Man (lễ hội đốt hình nộm) chính là lễ hội như thế. Lễ hội kéo dài 8 ngày trước Ngày lễ lao động của Mỹ và mỗi năm đều có một chủ đề riêng, phần quan trọng nhất là khi người ta đốt một hình nộm bằng gỗ cao gần 22m. Ước tính lễ hội thu hút khoảng 65,000 người tham gia, là sân chơi của các nghệ sĩ thế giới đến từ mọi lĩnh vực như âm nhạc, mỹ thuật, khiêu vũ, kiến trúc... Đến với Burning man, du khách có thể mang bất cứ thứ gì liên quan đến chủ đề lễ hội, trừ tiền. Mọi thứ tại lễ hội Burning Man đều được trao đổi trực tiếp với nhau. Thứ duy nhất có thể mua được là nước và đá. Ngoài ra du khách sẽ được cung cấp trại và các vật dụng cần thiết như kem chống nắng và kính bảo hộ.
T In The Park, Scotland T In The Park là sự kiện âm nhạc thường niên ở Scotland - Anh, bắt đầu từ năm 1994. Lễ hội được đặt tên dựa theo nhà tài trợ lớn của chương trình. Sự kiện đầu tiên được tổ chức tại Công viên Strathclyde, Lanarkshire nhưng từ năm 1997 đến năm 2014 đã được tổ chức tại sân bay bỏ hoang Balado, Kinross-shire. Năm 2015, lễ hội vừa được tổ chức vào ngày 8-10.7 tại lâu đài Strathallan, Strathallan, Perthshire. Địa điểm này đồng thời sẽ là nơi tổ chức lễ hội trong vài năm tới. Ban đầu sự kiện âm nhạc này chỉ kéo dài hai ngày. Bắt đầu từ năm 2007, lễ hội được chính thức tổ chức vào 3 ngày cuối tuần (thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật). Lễ hội thu hút khoảng 85.000 người tham gia.
Bonnaroo, Mỹ Lễ hội Bonnaroo Music (Bonnaroo Music and Arts Festival) là một lễ hội âm nhạc diễn ra hàng năm được khởi xướng bởi Superfly Presents and AC Entertainment. Lễ hội thường bắt đầu vào ngày thứ 5, tuần thứ 2 trong tháng 6 và kéo dài 4 ngày liên tục. Lễ hội là nơi trình diễn đa dạng các phong cách âm nhạc như: nhạc indie rock, rock cổ điển, hip hop, jazz, americana, bluegrass, nhạc đồng quê, folk, gospel, reggae, pop, nhạc điện tử… Tháng 6 hàng năm, có khoảng 90.000 người yêu nhạc kéo về nông trại 283 ha của thành phố Manchester, bang Tennessee để tham gia lễ hội âm nhạc độc đáo này.
Roskilde, Đan Mạch Lễ hội Roskilde tổ chức trong 4 ngày gần thị trấn Roskilde, Đan Mạch là lễ hội văn hoá và âm nhạc lớn nhất ở Bắc Âu, với hơn 180 ban nhạc và 130.000 khán giả tham gia. Lễ hội khởi nguồn từ năm 1971 với cộng đồng Hippie, nay lan rộng trong giới trẻ châu Âu. Người tham gia được tự do lựa chọn trang phục và có thể không mặc gì, khoả thân tham gia đường chạy bắt đầu từ năm 1998. Đường chạy quanh khu cắm trại rộng 80 ha, mở cửa cho cả nam và nữ, nằm trong khuôn khổ Lễ hội Roskilde, do Roskilde Festival Radio tổ chức. Giải thưởng cho người thắng cuộc là vé tham dự lễ hội năm sau. Roskilde được tổ chức vào cuối tháng 6 hàng năm.
Glastonbury, Anh Được khởi xướng bởi nông dân Michael Eavis ở thung lũng Somerset, ngày nay Đại nhạc hội mùa hè Glastonbury là lễ hội âm nhạc lớn nhất nước Anh, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1970 và nhanh chóng tạo được danh tiếng với khán giả quốc tế. Lễ hội âm nhạc này thường được tổ chức vào tháng 6 hàng năm tại trang trại Worthy Farm, Pilton, thị trấn Glastonbury (một thị trấn ở miền tây nam nước Anh). Lễ hội diễn ra trên diện tích 900 mẫu Anh (tương đương với hơn 3,6 triệu m2) thu hút 175.000 du khách.
Coachella, Mỹ Lễ hội Coachella hay The Coachella Valley Music and Arts Festival là một lễ hội âm nhạc và nghệ thuật được tổ chức tại Empire Polo Club ở Indio, thung lũng Coachella, sa mạc Colorado, California. Lễ hội được hình thành từ năm 1999 bởi Paul Tollett và được tổ chức bởi Goldenvoice, một công ty con của AEG Live.Tham gia sự kiện âm nhạc đặc sắc này, du khách có dịp thưởng thức nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, bao gồm cả rock, indie, hip hop và nhạc dance điện tử, cũng như các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt và điêu khắc. Những địa điểm tổ chức nhạc sống là: Coachella Stage, Nhà hát ngoài trời, Gobi Tent, Mojave Tent và Tent Sahara, Oasis Dome và Yuma.. Có khoảng 193.000 người tham dự vào sự kiện âm nhạc hoành tráng này.
Paleo, Thụy Sĩ Lễ hội Paleo de Nyon, hay còn được gọi là Paléo, là một lễ hội nhạc rock hàng năm được tổ chức tại Nyon, Thụy Sĩ, giữa Geneva và Lausanne. Nó bắt đầu từ một sự kiện nhỏ vào năm 1976 có tên là Folk Festival Nyon. Ban đầu lễ hội được tổ chức gần hồ Geneva và chỉ có hai giai đoạn, nhưng ngày nay nó là một trong những lễ hội âm nhạc ngoài trời lớn ở châu Âu và lớn nhất ở Thụy Sĩ. Sự kiện còn có sự tham giả của các ca sĩ quốc tế. Địa điểm tổ chức được chuyển tới de L'plaine Asse, giúp người tham dự có thể dễ dàng chủ động trong việc di chuyển bằng xe buýt, tàu hay đi bộ. Lễ hội thường kéo dài 6 ngày vào cuối tháng 7, từ thứ ba đến chủ nhật và buổi biểu diễn chính thức được bắt đầu bằng một màn pháo hoa tuyệt vời với âm nhạc.
Sziget, Hungary Được tổ chức tại hòn đảo Obuda nằm trên dòng sông Danube, thủ đô Budapest, lễ hội âm nhạc này được đặt tên là Sziget, theo tiếng Hungary có nghĩa là hòn đảo. Mỗi năm sự kiện thu hút khoảng 350.000 - 400.000 người tham dự, kéo dài trong 7 ngày liên tục với màn trình diễn của hàng trăm ban nhạc và hàng nghìn nghệ sĩ. Du khách đến lễ hội sẽ được hòa mình vào những màn trình diễn tuyệt đỉnh với không khí âm nhạc sôi động, đa dạng thể loại từ Reggae đến electro-pop, garage rock và teen-punk. Lễ hội Sziget không chỉ có âm nhạc mà còn nhiều hoạt động giải trí thú vị khác như: khu trò chơi, thể thao và đấu trường giải trí, nghệ thuật và không gian văn hóa, chợ trời, rạp chiếu phim, làng dân gian và rất nhiều khu lễ hội đặc sắc khác. Ngoài ra, du khách cũng có thể thư giãn bằng cách chơi đá bóng trên sân bóng của hòn đảo, chèo thuyền thăm thú đảo hay đi xem phim.
Woodstock 1969, Mỹ Đại nhạc hội Woodstock tổ chức tại New York duy nhất vào năm 1969 chắc chắn là một trong những thời khắc trọng đại nhất của lịch sử âm nhạc thế giới. Dù Woodstock được nhiều người nhớ đến bởi mục đích âm nhạc và hòa bình, sự kiện vẫn không tránh khỏi một số tiêu cực. Với một lượng khán giả khổng lồ vượt xa mọi tính toán của ban tổ chức, các tiêu chuẩn tối thiểu về không gian, vệ sinh, y tề và lương thực không thể được đáp ứng. Ba ngày ngập tràn âm nhạc, bùn lầy, ma túy và nổi loạn, 32 nghệ sĩ, hơn 400.000 khán giả, 2 người chết và 2 đứa trẻ được ra đời. Việc khán giả lũ lượt kéo nhau đến với số lượng lớn cũng góp phần gây ách tắc giao thông kéo dài ở thị trấn Bethel. Không chỉ có vậy, những cơn mưa dai dẳng làm điểm diễn lầy lội thêm. Rất nhiều người đến đây vẫn nhớ như in những bãi lầy khủng kiếp, thậm chí Woodstock còn được biết đến với tên gọi “Mudstock” (mud: bùn). Sau này, trong những buổi hòa nhạc tôn vinh Woodstock trên khắp thế giới, khán giả tắm mình trong bùn và họ xem đó nhưng một nét đặc trưng không thể thiếu khi nói về Woodstock.