Sáng nay (5.8), tại Hà Nội, trong cuộc trao đổi với báo chí về Đề án xây dựng tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc” được xây dựng tại tỉnh Sơn La, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm - đã chia sẻ xung quanh đề án này.
Thưa ông, mấy ngày vừa qua, dư luận đang “nóng” lên vì đề án tượng đài Bác Hồ tại tỉnh Sơn La được xây dựng với tổng dự toán kinh phí lên tới 1.400 tỷ đồng. Được biết, sáng nay ông đã có cuộc họp với Bộ VH-TT-DL về đề án này, đồng thời đã có báo cáo nhanh lên Ban Bí thư. Ông có thể cho biết quan điểm của Bộ VH-TT-DL, cũng như hướng xử lý về vấn đề này?
Quan điểm của Bộ VH-TT-DL cũng như Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm là không chạy theo quy mô hoành tráng, tượng phải to lớn. Bộ không có tư tưởng xây dựng tượng đài tràn lan, mà phải căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội của từng địa phương, cũng như quy mô công trình làm sao cho phù hợp với không gian kiến trúc ở địa phương đó.
Dự án quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030 đang lấy ý kiến của các bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố. Các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố cũng đang đề xuất từ năm 2015 đến 2030 xây dựng 58 tượng đài Bác Hồ. Tuy nhiên, đó là đề xuất, còn Bộ VH-TT-DL vừa trình Thủ tướng 14 công trình trên cơ sở phải đạt được các tiêu chí đã đưa ra.
Còn nhìn về quy hoạch tổng thể của công trình tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc, cá nhân tôi cũng không đồng tình với cách sắp xếp các hạng mục trong quảng trường. Ví dụ như đặt đài liệt sĩ trong quảng trường liệu có phù hợp?
Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm
Quy hoạch tổng thể của công trình tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã nằm trong quy hoạch chung về tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, thưa ông?
Theo quy định, Nghị định 113 của Chính Phủ, tượng đài Bác Hồ xây dựng ở trung tâm hành chính, chính trị và trong các khu di tích lịch sử, cho nên về nguyên tắc là nằm trong quy hoạch. Còn nếu các công trình chưa nằm trong quy hoạch thì phải báo cáo Ban Bí thư.
Ông nghĩ như thế nào khi gần đây, rất nhiều địa phương “đua nhau” xây dựng những công trình, tượng đài lớn? Và với tư cách là người trong ngành mỹ thuật, một ngành có chuyên môn, ông đã có tư vấn hay tham mưu nào cho Bộ VH-TT-DL cũng như cho Chính phủ về điều này?
Chia sẻ thật với bạn, những công trình mỹ thuật công cộng, trong đó có tượng đài phục vụ đời sống nhân dân, chưa bao giờ là nhu cầu đặt hàng của ngành mỹ thuật. Tất cả các yêu cầu đó đều xuất phát từ địa phương. Tức là khi địa phương có nhu cầu thì ngành mỹ thuật tham gia để thực hiện về mặt chuyên môn cho các công trình.
Còn về việc tham mưu cho Bộ và Chính phủ, tôi nghĩ cần sự đồng thuận và sự vào cuộc của các nhà lãnh đạo cũng như của giới truyền thông. Bởi xu hướng của khá nhiều người trong xã hội hiện nay là thích to, hoành tráng, lập kỷ lục. Thậm chí là xu hướng của nhiệm kỳ. Họ muốn làm một công trình hoành tráng để đời, để nhân dân có thể ghi nhớ nhiệm kỳ đó đã xây dựng được một tượng đài to lớn, một công trình để đời. Tôi nghĩ cần có thời gian thay đổi quan niệm dần dần, chứ không thể một sớm, một chiều và ngành mỹ thuật thì không thể can thiệp vào quan niệm đó được.
Được biết, trong báo cáo tổng kết 6 tháng đầu năm, tỉnh Sơn La đã đưa ra con số thống kê là 5 huyện trong tỉnh còn đang trong tình trạng nghèo. Vậy với một quần thể được dự toán lên tới 1.400 tỷ đồng, liệu là có quá lãng phí với một tỉnh còn nhiều huyện nghèo như vậy?
Tôi nghĩ, không chỉ cá nhân tôi mà rất nhiều người dân khác cũng nghĩ là cần phải hết sức cân nhắc cho một dự án quần thể với số tiền là 1.400 tỷ đồng, khi mà tỉnh này lại đang là tỉnh còn nhiều huyện nghèo. Họ cần phải tính toán rất chặt chẽ, và phải chia làm nhiều giai đoạn thi công, 5 năm đến 10 năm, chứ không thể thi công cùng một lúc với số tiền khổng lồ ấy.
Điều đáng buồn là hiện nay chúng ta đang rất thiếu những người có đủ năng lực để làm tượng đài. Đây là thực tế không thể khỏa lấp trong một thời gian ngắn.
Xin cảm ơn ông!