Những ngày qua, dư luận xôn xao việc xây dựng tượng đài Bác Hồ tại thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) với tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng. Xung quanh vấn đề này, chiều 5.8, tỉnh Sơn La tổ chức họp báo.
Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La trả lời phóng viên xoay quanh Đề án xây dựng Tượng đài Bác Hồ.
Thưa ông, UBND tỉnh Sơn La dựa vào đâu để lồng ghép Trung tâm hành chính và các hạng mục liền kề không bao gồm tượng đài vào Đề án xây dựng Tượng đài Bác Hồ trong bối cảnh tình hình kinh tế địa phương còn khó khăn?
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La trả lời câu hỏi của phóng viên.
Tỉnh Sơn La dựa vào các văn bản họp bàn và trình lên Trung ương. Trong quy trình xây dựng Nghị quyết, địa phương cũng làm rất chặt chẽ. Quá trình đầu tư xây dựng dự án, không ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác.
Phương án nguồn vốn được thực hiện từ khi lập dự án, chuẩn bị đầu tư. Nguồn vốn xã hội hoá, tỉnh Sơn La dựa theo kinh nghiệm học hỏi các tỉnh và sự ủng hộ của người dân. Ví dụ: Đền thờ, công trình công cộng, cây xanh… cũng nhận được sự tham gia xã hội hoá của các đơn vị doanh nghiệp.
Ông có thể nói rõ về nguồn vốn 1.400 tỷ đồng. Số tiền này chỉ để xây dựng riêng hạng mục tượng đài hay bao gồm các hạng mục khác?
Thực tế, đây mới chỉ là đề án bước đầu của việc thực hiện các quy định về quản lý đầu tư theo quy định pháp luật.
Trong Đề án Xây dựng tượng đài các Dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường tại TP Sơn La tổng vốn đầu tư các hạng mục xin chủ trương là 1400 tỷ đồng. Trong đó, riêng hạng mục tượng đài Bác Hồ khoảng 200 tỷ đồng. Tỉnh Sơn La đang nghiên cứu lập và phê duyệt dự án đảm bảo thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả.
Vậy, Đề án này có được tiếp tục thực hiện trong bối cảnh khó khăn hiện nay?
Trong Đề án xây dựng tượng đài, hạng mục tượng đài Bác Hồ khoảng 200 tỷ đồng; các hạng mục còn lại theo dự kiến là trên 1.000 tỷ đồng.
Hiện Đề án di dời Trung tâm hành chính vẫn đang nằm trong các bước nghiên cứu tiếp theo để đảm bảo thực hiện đúng quy định về lập dự án đầu tư. Đề án về cơ cấu nguồn vốn và diện tích chính thức đề án 5ha chưa được phê duyệt. Hiện các đề án vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu.
Tôi phải nhấn mạnh, Đề án di dời Trung tâm hành chính không nằm trong dự kiến nguồn vốn 1.400 tỷ đồng của Đề án xây dựng Tượng đài gắn với quảng trường và các thiết chế văn hoá TP Sơn La. Chúng tôi phải cân đối nguồn vốn, thực hiện theo luật đầu tư công; dự án nào được huy động, được kêu gọi xã hội hoá địa phương sẽ thực hiện.
Đề án xây dựng Trung tâm hành chính tỉnh Sơn La vẫn được địa phương thực hiện thực từng bước, theo chủ trương và theo quy trình.
Công trình này được thông báo là xã hội hoá. Vậy xã hội hoá ở đâu? Cụ thể thế nào?Thưa ông?
Liên quan đến việc tái định cư di dời người dân ra khỏi khu vực thi công Công viên 26.10 đang được triển khai thực hiện để chống lãng phí theo quy định của Chính phủ. Hiện, địa phương đang giao cho Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan kiểm tra, thực hiện để đảm bảo theo qui định pháp luật.