Dân Việt

Vụ bé gái lọt giếng sâu: "Tôi đã khóc khi cầm được tay bé"

Đông Thịnh 06/08/2015 04:00 GMT+7
“Mỗi nhát cuốc đào đất để giải cứu bé gái, tôi thấy lâu lắm. Một giờ trôi qua như một tháng vậy. Chúng tôi đào nhanh nhưng cẩn trọng để không làm đất sụt lún, ảnh hướng đến tính mạng bé”, người đàn ông có thâm niên đào giếng gần chục năm tham gia giải cứu bé gái nói.

1h35 ngày 5.8, bé Nguyễn Trần Tú Anh (7 tuổi) bị kẹt dưới lòng giếng khoan tại khu đất trống xã Tân Vĩnh Hiệp (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đã được lực lượng cứu hộ giải cứu an toàn. Khi bé được đưa ra ngoài, phía trên miệng giếng hàng trăm người vỗ tay vui mừng cuộc giải cứu nghẹt thở đã thành công.

Sau khi cháu bé được xe cấp cứu chở về bệnh viện, những người thợ đào giếng tham gia giải cứu bé cũng gom đồ đạc, dụng cụ để chuẩn bị ra về. Thời điểm này cũng đã 3h sáng.

Vừa gom dụng cụ, cuốc, xẻng bỏ vào bao, anh Trần Nguyên Phương (33 tuổi, quê Tây Ninh) thợ đào giếng có thâm niên gần chục năm lấy tay vuốt mồ hôi đang nhễ nhại trên khuôn mặt. Anh cười nói: “Mệt lắm chứ. Nhưng khi bé được giải cứu bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến hết. Tôi đã khóc khi chạm được tay bé dưới lòng đất sâu gần 15m. Vừa khóc vừa mừng vì đã cứu được bé gái. Cảm giác lúc đó rất khó tả”.

img

Trong lúc chơi đùa bé Tú Anh không may bị lọt xuống giếng khoan rộng khoảng 40cm và sâu hàng chục mét. Tỉnh Bình Dương đã huy động lực lượng cứu hộ đến giải cứu.

Trước đó, tối 4.8, anh Phương chuẩn bị đi ngủ thì nghe được thông tin bé gái bị kẹt dưới giếng khoan. Ngay lập tức anh gọi điện thông báo với 4 đồng nghiệp chuẩn bị đồ nghề, dụng cụ tức tốc chạy xe máy từ thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương lên để hỗ trợ tham gia cứu cháu bé. “Chúng tôi chẳng nghĩ ngợi gì cả. Chỉ biết cháu đang kẹt trong lòng đất nên tìm đến ứng cứu”, anh Phương kể.

22h đêm, nhóm anh Phương đến hiện trường cũng là lúc hàng trăm chiến sĩ cứu hộ đã tổ chức đào bới xung quanh khu vực bé bị mắc kẹt. Phía trên miệng giếng rất đông người dân theo dõi. Ai cũng chắp tay khấn vái, cầu cho bé tai qua nạn khỏi. “Mẹ cháu bé (chị Trịnh Thị Nguyên-PV) cùng nhiều người thân trong gia đình tới nói chuyện với chúng tôi cố giúp để cứu cháu. Tôi cũng có con trạc tuổi cháu nên hiểu được cảm giác của các bậc làm cha mẹ khi con đang gặp nạn” anh Phương chia sẻ.

Cũng theo anh Phương, thời điểm đó để tránh tình trạng sụt lún đất những máy xúc, máy đào đất được di chuyển ra ngoài. Lực lượng cứu hộ cử một chiến sĩ phía trên làm nhiệm vụ trấn an bé. Đường ống bơm oxy và nước cũng được truyền vào cho bé để chờ lực lượng cứu hộ tiếp cận. Lực lượng cứu hộ dùng một dây dù đã thắt nút, thả xuống miệng giếng khoan buộc vào tay Tú Anh để bé không bị tuột thêm.

Anh Phương cho biết, sau khi xin ý kiến chỉ đạo của chỉ huy cứu hộ. Nhóm anh đào một miệng hố song song với giếng khoan. Anh kể: “Chúng tôi có 5 người đều có thâm niên đào giếng nên thay phiên nhau đào đất. Phía trên các chiến sĩ cứu hộ khuân đất đào chuyển ra ngoài”.

“Đào xuống chừng 10m chúng tôi tạo một lỗ thông với giếng khoan để có oxy thở. Lúc này, tôi nghe bé gái nói văng vẳng: “Chú ơi, lôi cháu lên đi. Cháu quyết tâm rồi”. Mình nghe cháu nói vừa mừng vừa phải đào đất thật nhanh nhưng phải chú ý đến an toàn cho cháu và mọi người, vì càng đào xuống sâu, đất càng dễ sụt lún”, ông Pham Văn Cam thợ đào giếng tham gia giải cứu cháu bé kể.

Khi đào được khoảng 13m, nhóm thợ đào giếng tiếp tục xin ý kiến chỉ huy cứu hộ đào thông qua khu vực bé đang bị mắc kẹt và được đồng ý. “Với kinh nghiệm đào giếng tôi không móc đất theo hướng từ trên xuống mà chọn móc đất từ dưới lên và tránh để mặt bé không chạm vào cục đá đang án ngữ trong miệng giếng. Khoảng hở trống, tôi nắm được tay cháu bé kéo qua và để bé đu trên lưng mình. Lúc này, tôi mừng đến phát khóc”, anh Phương nói

Anh Phương cho biết thêm: “Thời điểm đó, một số người ở trên nói vọng xuống thúc giục làm nhanh lên. Một phần vì nóng ruột đưa bé lên, một phần vì mệt. Tôi không thở nổi nên bực mình nói lại - các anh có giỏi xuống mà làm”. Bé gái sau đó đươc anh Phương đưa lên miệng hố.

Khi bé được ra ngoài, cũng là lúc anh Phương mệt lả đến té nhào xuống đất. “Mệt nhưng vui vì đã cứu thành công cháu bé. Bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến. Hên là bé gái rơi ở độ sâu khoảng 13m và nhờ có cục đá cản lại. Nếu rơi xuống thêm việc giải cứu sẽ rất khó và tính mạng bé sẽ bị đe dọa bởi giếng khoan sâu gần 100m”, anh Phương kể.

img

 Anh Phương cùng nhóm thợ đào giếng chuyên nghiệp trực tiếp tiếp cận và giải cứu bé Tú Anh an toàn ở độ sâu 13m so với mặt đất

Cũng theo anh Phương, nếu biết sự việc cháu bé bị mắt kẹt anh và nhóm đồng nghiệp có thể cứu cháu bé từ sớm. “Nhóm chúng tôi đào hầm 8 tấc chỉ mất khoảng 3-4 tiếng là tiếp cận được bé. Còn nếu dùng máy múc sẽ mất rất nhiều thời gian lại không an toàn cho bé”, anh Phương nói về phương pháp đào giếng.

img

Bé Tú Anh bị mắt kẹt hơn 8 giờ dưới lòng đất được đưa ra ngoài trong niềm vui vỡ òa của nhiều người.

Lý giải tại sao giếng khoan có lỗ to khoảng 40cm anh Phương giải thích vì trong quá trình khoan, thợ khoan sẽ dùng từ mũi khoan lớn đến mũi khoan nhỏ, tùy tầng lớp đất. Về địa điểm giếng nơi bé Tú Anh gặp nạn do thợ khoan giếng bỏ ống xong nhưng chưa kịp lất đất nên tạo thành rãnh lớn cạnh ống nhựa dẫn đến việc bé Tú Anh bị lọt xuống dưới.

Trước đó, chiều 4.8, bé Tú Anh cùng với các bạn trong xóm vui chơi tại bãi đất trống gần nhà. Đang chạy đùa giỡn, bé Tú Anh bất ngờ bị lọt vào lỗ sâu cạnh đường ống giếng khoan bằng nhựa và mắt kẹt ở độ sâu cả chục mét dưới lòng đất.

Chiều 5.8, UBND thị xã Tân Uyên đã tổ chức khen thưởng đột xuất cho 9 đơn vị và 66 cá nhân vì có thành tích trong việc giải cứu bé Nguyễn Trần Tú Anh. Trong đó, các đơn vị được lãnh đạo thị xã Tân Uyên trao Bằng khen và thưởng nóng số tiền 55 triệu đồng. Riêng nhóm 5 người thợ đào giếng do ông Phan Văn Cam (51 tuổi, ngụ phường Bình Chuẩn, thị xã Tân Uyên) làm trưởng nhóm, được thưởng 5 triệu đồng.