Dân Việt

Trải lòng của người đàn bà “lỡ tay” đánh chết chồng

Nhã Nam/Pháp luật Việt Nam 06/08/2015 09:29 GMT+7
Thấy người chồng vốn "lành như cục đất" dám "trái lời" mình, người vợ tức giận cầm gậy đánh tới tấp vào đầu chồng. Khi hả giận cũng là lúc bà nhận ra hành động mù quáng của mình, thì đã muộn...

Trước mặt tôi là nữ phạm nhân Phạm Thị Cường (SN 1962, Nghĩa Phương, Lục Nam, Bắc Giang) đang thụ án 13 năm tù về tội giết người tại Trại giam Ngọc Lý (Bắc Giang). Bà Cường có gương mặt thuần phác đậm chất nông thôn. Trong lúc trò chuyện, bà Cường luôn cúi gằm mặt, có lẽ những tội lỗi đã gây ra trong quá khứ khiến bà không dám nhìn thẳng.

img

Phạm nhân Phạm Thị Cường.

Theo lời kể của bà Cường, gần ba mươi năm trước bà kết hôn với ông Đặng Bá Tơ người cùng thôn. Hai người có với nhau 4 người con nay đã trưởng thành. Ngoài làm ruộng, gia đình bà Cường còn nấu rượu, nuôi lợn kiếm thêm nên đời sống cũng khá giả, tươm tất.

Theo hàng xóm nhận xét, ông Tơ là người chồng tốt, người cha mẫu mực, hiền lành, ít nói, chăm chỉ làm ăn, chiều vợ, thương con. Còn bà Cường khéo léo, đảm đang. Họ sẽ là một cặp đôi hoàn hảo nếu như bà Cường không mắc “bệnh” nói nhiều khiến có người cho rằng ông Tơ “hiền quá hóa đần”, bị vợ “át vía”. Tuy nhiên, suốt mấy chục năm qua vợ chồng bà chung sống thuận hòa.

Ở cái tuổi rảnh rang, an nhàn, vợ chồng bà thường cùng nhau tham gia các hội hè, đình đám ở làng. Tối 18.3.2013, bà Cường bảo ông Tơ sáng hôm sau hai vợ chồng cùng đi đến nhà bà Nguyễn Thị Út ở cùng thôn để họp hội đồng niên với bà Cường rồi ăn liên hoan ở đó. Vốn chiều vợ nên ông Tơ đồng ý đi cùng, thậm chí còn tỏ thái độ vui vẻ, hồ hởi.

Khoảng 5h ngày 19.3.2013, ông Tơ thức dậy nhưng vẫn nằm trên giường và nói với vợ: “Mẹ nó cứ xuống nhà bà Út nấu nướng trước đi, tôi nấu xong nồi rượu rồi xuống ngay”. Bà Cường không đồng ý, bảo: “Bây giờ muộn rồi, nấu phải mất mấy tiếng mới xong nồi rượu. Thôi, mình cứ để đấy để chiều về em nấu”, nhưng ông Tơ vẫn đi xuống bếp nấu rượu.

Khi bà Cường dậy ra sân thì không nhìn thấy con chó của gia đình vẫn thường xích tại hiên bếp, nên hỏi vóng lên: “Con chó lại đâu rồi không biết?”. Lúc này, ông chồng già đang lụi cụi ở trong bếp “bắt lời”: “Tôi vừa thả cho nó đi vệ sinh, lát nữa tôi xích lại”. Bà vợ cằn nhằn: “Mọi hôm vẫn xích, hôm nay bỗng dở dói lại thả ra, ngộ nhỡ nó cắn người thì làm sao?”. Ông Tơ không nói gì thêm. Thế nhưng bà Cường vẫn sa sả chì chiết chồng về việc tự ý thả chó ra khiến ông Tơ càu nhàu: “Mẹ nó cứ lắm mồm!”.

Khi bà Cường vào bếp mới biết chồng vẫn cố tình đi nấu rượu nên tức tối trong lòng vì cho rằng chồng dám “chống lệnh”, trái lời mình. Bà đi đến giằng đoạn cây củi trên tay chồng, mục đích không cho ông Tơ nấu rượu nữa, phải cùng mình đi dự họp lớp. Nhưng ông chồng vẫn “ngoan cố” giữ khúc củi và nói: “Cứ để tôi nấu, xong tôi khắc xuống”. Bà Cường không chịu, giằng mạnh khúc củi, dứt khoát: “Đã bảo không nấu là không nấu”. Tuy nhiên, do ông Tơ giữ chặt khúc củi nên không giằng được.

Ngạc nhiên vì ông chồng vốn hiền lành, răm rắp phục tùng vợ hôm nay bỗng dưng bướng bỉnh, bà Cường tức giận dùng gậy vụt tới tấp vào đầu ông chồng già. Ông Tơ cố gượng, ngóc đầu dậy hỏi giọng hoảng hốt lẫn ngạc nhiên: “Con mẹ này, mày đánh tao à?”, sau đó thều thào gọi con trai: “Tuy ơi, Tuy ơi, cứu bố với”.

Cậu con trai tên Tuy đang ngủ, nghe tiếng bố kêu cứu xuống xem thì thấy ông Tơ nằm gục bên lò than, đầu chảy nhiều máu mới hoảng hốt gọi điện cho anh rể đến đưa cha đi cấp cứu. Khi mọi người đến, bà Cường nói ông Tơ đang nấu rượu thì bị ngã đập đầu vào bếp lò, bị thương nên không ai nghi ngờ gì. Do vết thương quá nặng nên dù được cấp cứu, nhưng đến ngày 20.3.2013 thì ông Tơ tử vong.

Chôn cất ông Tơ xong, quá ân hận về hành vi bạo ngược của mình nên bà Cường đã gọi các con lại và tự thú cái chết của ông Tơ không phải do tai nạn mà do chính mình đã gây ra. Sau đó, mặc cho các con can ngăn vì “sự đã rồi”, bà Cường đến Công an xã Nghĩa Phương đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội.

Tại phiên toà sơ thẩm vào cuối tháng 8.2013, TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Cường 13 năm tù về tội “Giết người”. Thành án, Phạm Thị Cường được chuyển về cải tạo tại Trại giam Ngọc Lý. Thời gian đầu vào trại, bà luôn gào khóc gọi tên chồng và cầu xin ông tha thứ.

“Tôi đau đớn lắm, trách hận mình vô cùng. Giá tôi có thể chết được thì còn thanh thản. Các con tôi chỉ an ủi rằng chuyện đã lỡ và không một lời trách móc, lại càng khiến tôi day dứt. Tôi không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà vợ chồng đang đầm ấm bỗng dưng tôi lại hành xử tàn ác, hồ đồ...” - bà Cường tâm sự.

Do trại giam ở gần nhà nên bà Cường được con cái lên thăm đều đặn. Lần nào gặp các con người đàn bà cũng khóc như mưa. Những khi được gọi điện về nhà hỏi thăm gia đình, bà Cường cũng chỉ biết ôm điện thoại và khóc. Thấu hiểu được nỗi đau đớn không thể nói thành lời của nữ phạm nhân, các cán bộ Trại giam Ngọc Lý đã ân cần động viên bà Cường hãy viết thư xin lỗi anh trai chồng và gia đình chồng.

Trong thư có đoạn viết: “...Đêm nay, tất cả mọi người lại chìm trong giấc ngủ ngon lành, chỉ còn lại một mình em lẻ loi phiêu hồn sau song sắt, nỗi nhớ nhà lại tràn ngập trong tim em. Em không cách nào ngăn nổi dòng nước mắt. Vì tất cả tội lỗi mà em gây ra để lại vô vàn nỗi đau cho anh chị và các con tội nghiệp của em.

...Mỗi khi em thấy các cháu lên thăm em rất mừng vì được gặp con, ngắm những đứa con đang khao khát tình thương người mẹ - người đã để lại nỗi đau cho chúng, mà rằng con em không hề một lời trách móc, em càng ân hận mà trách bản thân mình hơn. Nếu như mình là một người mẹ tốt, biết nhẫn nhịn, biết kiềm chế thì con mình đâu phải chịu khổ...

Chính bản thân em đã gây nên cái chết cho chồng em, người đã từng má ấp, môi kề, dẫn đến cảnh gia đình anh mất em, con mất bố, mà vĩnh viễn không bao giờ lấy lại được...”.

Bên trang giấy trắng, người đàn bà tội lỗi nhờ những con chữ nói hộ lòng mình để bớt đi nỗi day dứt, dằn vặt. Cùng với đó, sự động viên, chia sẻ từ cán bộ trại giam và anh chị em phạm nhân trong trại đã khiến phạm nhân Phạm Thị Cường ổn định tinh thần, yên tâm cải tạo để có cơ hội rút ngắn ngày trở về với gia đình.