Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo quyết định Phê duyệt Quy hoạch hệ thống tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030, với mục đích tưởng niệm, tôn vinh công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đất nước và dân tộc, đồng thời quản lý chặt chẽ việc xây dựng và phát huy các công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Vinh, Nghệ An (Ảnh: Người lao động)
Hệ thống tượng đài sẽ được ưu tiên xây dựng tại 14 tỉnh, bao gồm Sơn La, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Định, Đà Nẵng, Điện Biên, Hải Phòng, Hải Dương, Kiên Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.
Tiêu chí để xác định địa phương xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là các địa phương gắn với sự kiện lịch sử trọng đại của Cách mạng Việt Nam, về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác. Địa phương có vị trí đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương, nơi Bác đã sống, học tập, địa phương Bác đến thăm.
Dự thảo cũng nhấn mạnh nguyên tắc chỉ xây dựng những công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có trong Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.
Trường hợp các dự án không nằm trong quy hoạch, dự án công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng ở nước ngoài phải được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Những nguồn vốn có thể huy động xây dựng tượng đài bao gồm ngân sách Nhà nước, Trung ương và địa phương, vốn tự có của các ngành và các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ và nhân dân đóng góp.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện nay cả nước có 101 tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây trong khuôn viên, trụ sở cơ quan, đơn vị; 31 tượng ở trung tâm hành chính, chính trị.