Dân Việt

Cân nhắc khi mở trang trại, tăng đàn bò sữa

Việt Tùng (thực hiện) 07/08/2015 12:50 GMT+7
"Trong thời điểm này, tôi cũng cho rằng các hộ dân đang có ý định mở trang trại, tăng đàn cần cân nhắc kỹ lưỡng", ông Tông Xuân Chinh (ảnh) – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết.

Giá sữa thế giới giảm tác động thế nào đến giá trong nước? Trả lời phỏng vấn Dân Việt, ông Tông Xuân Chinh (ảnh) – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: ​Đúng là ở châu Âu giá sữa đang thấp nhất so với 6 năm gần đây, việc giảm giá này xuất phát từ nhu cầu dùng sữa của người dân và các ngành chế biến sữa của khu vực này giảm. Khác với Việt Nam, các nước ở châu Âu sản xuất sữa dựa trên quota (hạn ngạch) hay đơn đặt hàng của các đối tác, nên khi các đối tác giảm đặt hàng, nhu cầu dùng ít, dẫn đến giá sữa giảm.

img

Ông Tông Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT)

Việc giảm giá sữa ở châu Âu liệu có tác động tới Việt Nam, vậy liệu có diễn ra tình trạng người dân đổ bỏ sữa tươi như trước đây?

- Việc ảnh hưởng là không tránh khỏi, song chúng ta phải chấp nhận quy luật của thị trường. Tuy nhiên, tôi cho rằng sự ảnh hưởng sẽ không nhiều. Tổng sản lượng sữa của nước ta năm 2014 là 549.532 tấn (tăng 20,41% so với năm 2013), chiếm khoảng 28,3% nhu cầu sữa trong nước. Như vậy, sản lượng sữa tươi chúng ta sản xuất ra còn rất thấp và chủ yếu sử dụng sữa bột, sữa hoàn nguyên nhập khẩu. Giá sữa nguyên liệu nhập khẩu giảm thì chắc chắn giá sữa tươi nguyên liệu trong nước cũng sẽ giảm theo.

Như vậy, có thể nói chắc chắn người nuôi bò sữa sẽ bị ảnh hưởng bởi sự giảm giá này. Hiện Bộ NNPTNT có đề xuất giải pháp gì để hỗ trợ nông dân?

- Như tôi đã nói, đây là quy luật của thị trường chúng ta phải chấp nhận. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp để làm sao người chăn nuôi chịu thiệt hại thấp nhất. Trong thời điểm này, tôi cũng cho rằng các hộ dân đang có ý định mở trang trại, tăng đàn cần cân nhắc kỹ lưỡng. Phải ký kết chặt chẽ với các công ty, có đầu mối tiêu thụ thì mới mở rộng trang trại hay tăng đàn, có như vậy mới có thể hạn chế lỗ.

Như ông nói, một trong những biện pháp để hỗ trợ sản xuất trong nước là phải kiểm soát các công ty nhập khẩu sữa bột, sữa hoàn nguyên. Ông có thể cho biết cụ thể về giải pháp này?

-  Hiện sản phẩm sữa đang có 3 Bộ quản lý là Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương và Bộ Y tế. Việc chia nhỏ này với mục đích để các bộ phận chuyên môn chuyên sâu hơn. Nhưng như tôi cũng đã nhiều lần phát biểu ở Quốc hội, việc phân “vùng” này vô hình trung đang gây chồng chéo, khó quản lý. Tôi nghĩ, sữa có nguồn gốc xuất phát từ nông nghiệp thì nên giao cho Bộ NNPTNT quản lý, còn Bộ Y tế thì quản lý chất lượng của sữa. Đặc biệt, chúng ta nên quy định rõ chỉ có 2 loại sữa là sữa tươi và sữa hoàn nguyên thôi, còn các loại sữa khác (nếu có tổng hợp thêm các loại chất khác như ca cao, đường, tinh bột) để tạo thành các sản phẩm khác thì cũng cần quy định có tên gọi rõ ràng, tránh mập mờ…

Xin cảm ơn ông!