Dân Việt

Giá sữa giảm, nông dân bị o ép

Thuận Hải 07/08/2015 13:30 GMT+7
Giá sữa nguyên liệu thế giới giảm sâu khiến nhiều hộ chăn nuôi bò sữa trong nước lo lắng giá sữa trong nước sẽ giảm theo. Hiện nông dân đã bắt đầu bị o ép về giá sữa khiến nhiều hộ tính chuyện bán bò sữa, chuyển sang nuôi bò thịt.

Giá đã “hao hụt”

Theo đánh giá của một số chuyên gia, ngành sữa thế giới sau gần chục năm phát triển nhanh, mạnh đã bước vào giai đoạn dư thừa, khủng hoảng. Số lượng nông dân đầu tư nuôi bò sữa tăng làm nguồn cung dồi dào. Giá sữa nguyên liệu trên thế giới  từ quý đầu năm đến nay liên tục giảm mạnh. Những ngày đầu tháng 8, giá sữa bột giao dịch tại chỗ chưa tới 1.900 USD/tấn (giá giao hàng tới mạn tàu)- giảm từ 15-20% so với cùng kỳ (xem bài phụ).  Tính ra, giá sữa bột nguyên liệu nhập về đến Việt Nam chỉ ở quanh mức 6.000 – 6.500 đồng/kg.

img

Dù không thông báo chính thức nhưng trên thực tế, thu nhập của nông dân nuôi bò sữa đã giảm nhiều. Trong ảnh: Nông dân vắt sữa  tại nông trường Mộc Châu, Sơn La. Ảnh: Ngọc Lê

Chị Nguyễn Thị Hường, chủ trạm thu mua sữa cho Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng đồng thời là hộ nuôi bò sữa tại huyện Hóc Môn (TP.HCM) cho biết, mấy tháng nay, giá sữa giảm sâu đã khiến bà con chăn nuôi trong khu vực lo lắng, thấp thỏm không yên.

Dù các công ty chưa có văn bản thông báo về việc giảm thu mua giá sữa, nhưng trên thực tế giá bán sữa của bà con nông dân đã có phần hao hụt nhiều. Cụ thể, các doanh nghiệp trả tiền thu mua sữa cho bà con nông dân bằng cách chấm điểm chất lượng, giá thu mua dao động từ 8.500 – 12.500 đồng/kg. Tuy nhiên, số lượng hộ chăn nuôi được trả mức giá từ 13.000 trở lên rất ít.

Ông Huỳnh Hữu Hiệp (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn), đang nuôi 13 bò sữa,  cho biết, mỗi tuần  ông  giao cho trạm sữa từ 70–80kg sữa tươi nguyên liệu. Trước đây, ông Hiệp luôn bán được giá sữa 13.500 đồng/kg. Thời gian gần đây, giá thu mua sữa của gia đình ông chỉ còn từ 12.000 –12.500 đồng/kg. “Doanh nghiệp không thông báo giảm giá thu mua sữa nhưng siết chặt các chỉ tiêu về chất lượng, đưa ra rất nhiều điểm trừ để giảm tiền thu mua của bà con như lỗi về chất béo, tế bào soma, vi sinh vật… Do đó, người nuôi bò cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt” thôi”- ông Hiệp nói.

Còn nhớ năm 2014, giá sữa bột  nhập khẩu giảm tới 50%. Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, mỗi lít sữa nước được pha ra từ sữa bột, trong trường hợp chưa bổ sung gì giá đầu năm 2014 là 12.000 đồng/lít. Tới đầu năm 2015 giảm còn khoảng 6.300 đồng/lít, ngay lập tức đã ảnh hưởng đến giá sữa trong  nước, khiến nhiều nông dân bỏ bò sữa và giờ câu chuyện trên lại bắt đầu lặp lại...

Chuyển đổi sang bò thịt

Cùng với tình trạng giảm giá sâu của thị trường sữa thế giới, nhiều nông dân nuôi bò tại vùng Đông Nam Bộ đang bán tháo bò sữa, chuyển sang nuôi bò thịt để giảm lỗ.  Ông Nguyễn Văn My – Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp TP.HCM (thuộc Sở NNPTNT TP.HCM) thừa nhận, do giá cả bấp bênh nên thời gian qua có chuyện nông dân đã giảm, bán bớt  bò sữa khiến số lượng đàn sút giảm, nhất là trong các hộ chăn nuôi. Trong tuần tới, Sở sẽ kiểm tra và có báo cáo về vấn đề này.

Chị Đỗ Thị Út - ngụ ấp Trung Đông, xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, trước đây gia đình chị  tập trung toàn bộ vốn liếng, công sức cho việc nuôi bò sữa. Tuy nhiên, từ cuối năm 2014, việc chăn nuôi bò sữa đã lâm vào tình trạng khó khăn, tiền sữa không đủ trả tiền cám, tiền xác mì… cho bò ăn.

Gần đây, giá bán sữa lại liên tục giảm vì doanh nghiệp chấm điểm sữa không đạt chỉ tiêu, hơn nữa  qua theo dõi tình hình bò sữa trong nước và thế giới, chị cũng biết nguồn sữa bột đang có giá rẻ, sẽ ảnh hưởng tới giá thu mua trong nước. Do đó, chị Út quyết định bán hết đàn bò sữa, chuyển sang nuôi bò thịt và trâu. “Nhu cầu bò thịt đang rất lớn, đầu ra lại dễ hơn trong khi kỹ thuật nuôi bò thịt cũng dễ hơn, trâu thì càng dễ nữa nên tôi bỏ bò sữa luôn”-  chị Út nói.

Không chỉ chị Út, chị Nguyễn Thị Hường cũng cho biết, trước đây, gia đình chị nuôi đến 50 con bò sữa, tuy nhiên từ đầu năm đến nay, việc nuôi bò sữa không mang lại hiệu quả kinh tế, do đó, chị phải bán bớt hơn 15 bò sữa. “Số bò còn lại tôi cũng định bán luôn, chuyển sang nuôi bò thịt vì bò sữa vừa khó nuôi, chi phí cao ngất ngưởng mà giá bán thì bấp bênh”- chị Hường chia sẻ.

Chị Hường  cũng cho biết, niềm an ủi nho nhỏ cho nông dân hiện nay giá thức ăn bò sữa đã giảm từ 200.000 đồng/bao xuống còn 182.000 – 185.000 đồng/bao. Một con bò đang cho sữa mỗi ngày ăn từ 6 -7kg cám, do đó, giá cám giảm sẽ giúp nông dân giảm được khá nhiều chi phí. Tuy nhiên, theo chị Hường, nếu giá cám giảm xuống mức 145.000 – 150.000 đồng/kg thì may ra nông dân nuôi bò sữa mới có lợi nhuận được, trong tình hình giá sữa nguyên liệu ở mức thấp như hiện nay.

Nhập khẩu sữa bột 7 tháng đầu năm tăng

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, ước sản lượng sữa bột tháng 7.2015 nhập khẩu đạt 5.500 tấn, giảm 38,4% so với tháng trước,  nhưng tính chung 7 tháng đầu năm, sản lượng sữa bột đạt 50.200 tấn, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2014. 

Châu Âu đối mặt với cuộc chiến giá sữa tươi

Một loạt các nước châu Âu đang có xu hướng giảm giá sữa tươi trên thị trường, nguyên nhân được cho là lượng cung dư thừa sau khi tháng 4 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) bãi bỏ hạn ngạch sản xuất sữa và các sản phẩm sữa vốn có hiệu lực hơn 30 năm nay.

Hiện giá sữa bình quân tháng của EU đang ở mức 30,48 bảng/100kg (22.69ppl), giảm 0,82 bảng/100kg (2,6%) vào tháng 7. So với năm 2014, giá sữa bình quân ở EU đã giảm 18,8%.

Từ tháng 4.2015, EU đã dỡ bỏ hạn ngạch sản xuất sữa 30 tuổi, cho phép nông dân bán được nhiều như họ thích trên toàn thế giới. Các chuyên gia cho rằng, thay vì tạo ra các “hồ sữa” và “núi bơ” như hồi thập niên 80, động thái mới của EU có thể tạo ra một cuộc chiến giá cả.

Các trang trại ở Đức, Hà Lan và Ireland sẽ cạnh tranh để cung cấp sữa và các sản phẩm sữa cho các cửa hàng trên khắp châu Âu, bao gồm cả ở Anh. Ngoài ra, việc không hạn chế lượng sữa cũng đã khiến các nông trại sản xuất thoải mái và dẫn đến lượng cung trên thị trường nội địa dư thừa khiến giá sữa giảm.

 Các chủ trại châu Âu lo ngại rằng việc bãi bỏ hạn ngạch sẽ dẫn tới sự nhảy vọt trong sản lượng, ảnh hưởng tới việc giảm giá các sản phẩm sữa và sẽ dẫn tới cuộc khủng hoảng nặng nề trong ngành. Ông Romuald Schaber, lãnh đạo một trong những tổ chức công đoàn các nhà sản xuất sữa, Chủ tịch Hãng European Milk Board (EMB) tin chắc rằng sẽ bùng nổ một cuộc khủng hoảng mới vì sự sụt giá này mang tính tất yếu.

Đại biểu Nghị viện châu Âu José Bové cảnh báo rằng, việc bãi bỏ hạn ngạch sẽ mang lại tai họa cho các chủ trại bình thường.

Huyền My