Dân Việt

7 cách bố mẹ có thể "cai" thiết bị điện tử cho con

Vương Linh 07/08/2015 10:09 GMT+7
Bạn nhận ra con suốt ngày cắm mặt vào các thiết bị công nghệ, và dần trở nên lơ đãng với mọi sự xung quanh, làm thế nào để kéo trẻ thoát khỏi tình trạng đó?

Nếu trẻ rên rỉ đòi chơi game trên điện thoại, máy tính bảng thay vì ra ngoài trời hoặc chúng chểnh mảng việc học hành hay không thể ngồi yên khi đi ăn mà thiếu chiếc ipad trước mặt, thì có thể con bạn đã có vấn đề, Patrick Markey, một giáo sư tâm lý tại Đại học Villanova, Pennsylvania, Mỹ, cho biết.

Dưới đây là 7 cách bố mẹ có thể "cai" nghiện thiết bị điện tử cho con:

Giới hạn thời gian trẻ ở một mình

Với những chiếc máy tính để bàn, một trong những cách tốt nhất để ngăn việc sử dụng quá mức là đặt nó ở nơi sinh hoạt chung, Ofir Turel, một nhà nghiên cứu ở Đại học bang California, Fullerton, Mỹ, nói.

img

Ảnh minh họa từ internet

"Nếu bố mẹ biết con chơi bao nhiêu thời gian và nhìn thấy những gì trẻ làm trên máy tính, trẻ sẽ không tự tiện thích gì làm nấy trên mạng", Turel nói.

Không may là, các thiết bị di động như smartphone hay máy tính bảng lại khó kiểm soát hơn. Nhưng nếu con bạn chơi bằng thiết bị của bố mẹ, việc ngăn trẻ mang đồ này về phòng riêng có thể là cách tốt để hạn chế việc chúng chơi game, vào mạng. Và khi bạn cân nhắc liệu con mình đã thực sự cần có máy tính, điện thoại chưa, hãy nhớ là, hầu hết trẻ đều chưa cần tới thiết bị này.

Cài đặt mật khẩu bảo vệ

Trẻ có thể vô tình làm tăng hóa đơn tiền mạng hay mua các trò game mất phí nếu bạn để con vô tư chơi trên điện thoại. "Đây là lý do mật khẩu thực sự hữu ích", Markey nói.

Mật khẩu nên cài đặt cho bất cứ trò gì trên điện thoại cần mua bằng thẻ tín dụng. Bạn cũng đừng cho trẻ biết mật khẩu hay cài đặt mật khẩu mà trẻ dễ đoán ra. Cần đảm bảo rằng trẻ chỉ có thể chơi trên điện thoại của bạn khi được bố mẹ cho phép và nên cắt quyền truy cập các trang phải tính thêm phí.

Báo trước thời điểm ngừng chơi

Khi trẻ chơi một trò chơi, cách tốt nhất là cảnh báo cho chúng trước khi đến thời gian không được chơi nữa. Tránh việc ngay lập tức tước bỏ thiết bị điện tử khỏi tay trẻ mà không hề báo trước gì. Hãy nói với con: "Con được chơi 10 phút nữa nhé" và nhắc nhở để trẻ nhớ. Trẻ sẽ dễ hợp tác hơn khi chúng vẫn có quyền chủ động.

Bạn là chủ

Nếu việc cảnh báo trước không hiệu quả, luôn có lựa chọn khác cho bạn. Bố mẹ vẫn là người chịu trách nhiệm, và nếu việc chơi này trở thành một vấn đề, rõ ràng là cần hạn chế việc trẻ truy cập vào smartphone và các thiết bị di dộng khác, Steiner-Adair nói.

"Bạn là chủ các thiết bị này, bạn chỉ cần lấy lại nó là xong", nhà tâm lý nhấn mạnh.

Lấp đầy thời gian của trẻ

Với một số trẻ, các trò chơi trên thiết bị di động không chỉ là trò tiêu khiển, đó còn là một cách để đối phó với căng thẳng, lấp đầy các lỗ hổng trong đời sống xã hội hay đơn giản là để khuây khỏa những giờ buồn chán. Tước đi thiết bị di động với những trò chơi trẻ yêu thích mà không mang đến cho con bất cứ hoạt động nào thay thế thì sẽ chẳng có hiệu quả về lâu dài.

Vì vậy, sau khi giới hạn việc chơi game của con, hãy đảm bảo lấp đầy khoảng thời gian trống đó bằng các hoạt động khác. Hãy đăng ký cho con tham gia lớp tập đá bóng, hay đạp xe, đi bơi... mỗi tuần ba lần.

Làm gương

Trẻ luôn học theo cha mẹ. Nếu bố mẹ lúc nào cũng dính mắt vào màn hình điện thoại, trẻ cũng sẽ coi việc không ngừng chơi game là hành vi có thể chấp nhận được. Vì vậy, bố mẹ nên đặt điện thoại hay máy tính bảng xuống khi vào bữa ăn hay lúc chơi với con. 

Chữa bệnh lười của bố mẹ trước

Bố mẹ cũng nên nghiêm khắc nhìn nhận về sự phụ thuộc của mình vào các thiết bị di động. Nhiều phụ huynh đưa smartphone cho con để có thời gian rảnh rỗi, không bị trẻ quấn lấy chân hay để con ăn ngoan, làm theo lời bố mẹ nói. Điều đó sẽ không vấn đề gì với mức độ vừa phải nhưng trẻ thực sự cần học cách cư xử đúng mực mà không cần có các "vật hối lộ" này.

Việc ngừng sử dụng "bảo mẫu" smartphone, máy tính bảng ban đầu có thể làm trẻ khó chịu, thậm chí còn ăn vạ, gào khóc nhưng dần dần chúng sẽ phải học cách thích nghi và chấp nhận nếu bố mẹ kiên quyết.