Rất hiếm có một album hip-hop mới nào được viết riêng một bài báo trên tờ Vogue ở Mỹ. Toàn bộ bài viết là về sở thích thời trang của nghệ sĩ chứ không phải về đề tài âm nhạc. Đó là câu chuyện về thời trang trong album mới At.Long.Last.A$AP của rapper đang nổi A$AP Rocky với một loạt trang phục của các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Rick Owens, Dior, Martin Margiela và Saint Laurent cùng với những phụ kiện cao cấp như đồng hồ nhãn hiệu Audemars Piguet và hành lý của Goyard.
Rapper đang nổi A$AP Rocky (phải) với nhà thiết kế Jeremy Scott.
Thời trang riêng của Rocky được đánh giá khá ấn tượng. Nghệ sĩ này thường được xếp hàng ghế đầu trong các show thời trang, đã hợp tác với nhà thiết kế Jeremy Scott thực hiện một bộ sưu tập cho hãng Adidas và có một thời gian hẹn hò với siêu mẫu Chanel Iman.
Hip-hop thường được coi như là âm nhạc của tính chân thực không khoan nhượng, gắn với lối sống đường phố và “lưu giữ sự chân thật” được xem là yếu tố hết sức quan trọng. Nhưng vai trò của Rocky ngày nay – theo cách nói của tờ Vogue – nghệ sĩ này được miêu tả là "một ngôi sao có phong cách đáng chú ý" – đã gợi nhớ lại sự gắn bó của văn hóa hip-hop với thời trang từ những ngày đầu hình thành của thể loại âm nhạc này.
Logo phóng to của các thương hiệu sang trọng có thể là một cách để các rapper thể hiện cả nguyện vọng và phê bình sự thay đổi của xã hội ở Mỹ.
Qua thời trang, có thể thấy rõ từng bước sự phát triển của thể loại rap. Từng có rất nhiều tranh cãi về thời trang hip-hop khi “Fresh Dressed”, một bộ phim tài liệu về lịch sử thời trang hip-hop do Sacha Jenkins làm đạo diễn được công bố. Lịch sử của thời trang hip-hop được khởi nguồn từ South Bronx, sau đó phát triển thành ngành công nghiệp hàng tỷ đô la trên toàn cầu. Đoạn phim “Fresh Dressed” có sự xuất hiện của Kanye West, Pharrell Williams và Nas bên cạnh những cái tên như Diddy, Damon Dash và Big Daddy Kane.
“Fresh Dressed” cho thấy quá trình tiến hóa của phong cách hip-hop từ những năm 1970 với giầy có dây giày quá khổ cỡ lớn, mũ Kangol và kính Cazal đến áo khoác lông thú, đồ trang sức kim cương và thiết kế quần áo bling jumpsuit của những năm 2000. Bộ phim có những đoạn phỏng vấn các nhân vật Kanye West, Pharrell Williams và nhà sản xuất Swizz Beatz về văn hóa hip-hop, đều khẳng định sự phát triển của nhạc rap có liên quan sâu sắc đến gu thời trang của các rapper.
Rapper nổi tiếng thế giới Jay-Z và nhiều rapper khác như Kanye West, Pusha-T, 50 Cent, André 3000, Lil Wayne và P Diddy đều có những phong cách thời trang của riêng mình.
Những năm 80, các ngôi sao nhạc rap như LL Cool J, Eric B và Rakim và Big Daddy Kane thường đến cửa hàng may thời trang hip-hop Dapper Dan để sáng tạo ra những trang phục cá tính, ấn tượng, hấp dẫn của riêng mình, từ các áo khoác của các hãng thời trang nổi tiếng Gucci, Fendi và Louis Vuitton sẽ có những trang trí logo quá cỡ.
Sự phô trương logo của các thương hiệu thời trang sang trọng có thể là một cách để các rapper thể hiện cả nguyện vọng và phê bình sự thay đổi của xã hội ở Mỹ. Những bộ trang phục cũng thể hiện tiếng nói của các rapper trong vị trí của người da đen tại Mỹ.
Trong những năm 1990 các nhãn hiệu thời trang Ralph Lauren và Tommy Hilfiger cực kỳ phổ biến trong các nhóm nhạc rap ở New York như Wu-Tang Clan và Mobb Deep. Qua những bộ quần áo, các rapper dường như chế nhạo sự giàu có và địa vị xã hội cùng một lúc.
Bước sang thiên niên kỷ mới, rap dần trở thành hình thức âm nhạc phổ biến nhất ở Mỹ. Những video có các hình ảnh sự ăn chơi thác loạn, nhảy múa trên du thuyền, lái xe Bentley thả đầu và rượu đổ ngập tràn… là một cách các rapper phê phán xã hội đang “ngập lụt” với giá trị của đồng tiền.