Dân Việt

Về hưu vẫn đi học nghề

21/06/2011 15:27 GMT+7
(Dân Việt) - Đó là trường hợp của ông Vũ Thiên Hựu - từng là cán bộ chi nhánh tín dụng sản xuất tỉnh Hà Nam, Trưởng phòng Ngân khố tín dụng, Ngân hàng khu Tả Ngạn. Hiện ông là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bánh đậu xanh Quê Hương (Phạm Ngũ Lão, TP.Hải Dương).

Học nghề vì yêu con

Ông tâm sự: “Nhà có 6 người con thì lúc tôi về hưu 5 đứa đã có công ăn việc làm ổn định, chỉ còn lại 1 mình cô con gái khuyết tật là không có việc làm. Tôi luôn trăn trở, làm gì để cả tôi và con gái, có niềm vui sống. Chính điều này đã thúc đẩy tôi quyết định đi học nghề”. Tuy nhiên, ở cái tuổi 60 việc lựa chọn nghề gì cho vừa sức mình và con gái là không hề đơn giản. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông đã quyết định học nghề làm bánh đậu xanh đặc sản quê hương.

img
Sản xuất bánh đậu xanh tại Hải Dương.

Ông kể: “Ngày đó, để có được những nguyên liệu ưng ý, ngày nào tôi cũng đến các lò mổ từ 2, 3 giờ sáng để chờ mua từng cân mỡ khổ ngon, đạp xe sang tận Bắc Giang chọn mua từng yến đỗ đạt tiêu chuẩn về làm bánh”. Sau 2 năm học nghề rồi tổ chức sản xuất, thương hiệu bánh đậu xanh Quê Hương của ông được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến.

Dạy nghề vì người khác

Ngay sau khi thành công, ông Hựu liên hệ với Hội Chữ thập Đỏ TP.Hải Dương phối hợp dạy nghề làm bánh đậu xanh cho người khuyết tật, đưa người khuyết tật vào làm trong công ty.

Bà Vũ Thị Hằng có 2 người con khuyết tật cho biết, từng đi làm công nhân ở Khu Công nghiệp Phúc Điền nhưng chỉ một thời gian bà phải bỏ vì bận chăm sóc con cái gia đình gặp nhiều khó khăn, đến mức nhiều lần bà phải đi bán máu.

Cuộc sống ấy đã thay đổi từ khi bà và 2 con được ông Hựu nhận vào công ty làm việc. “Bây giờ mỗi tháng 3 mẹ con tôi được công ty trả cho gần 5 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình tôi đã tốt hơn trước rất nhiều”- bà Hằng phấn khởi nói.

Chị Nguyễn Thị Hương, 38 tuổi (Nam Sách, Hải Dương) công nhân gói bánh chia sẻ: “Nông dân chúng tôi quen chân lấm tay bùn. Vào làm ở công ty bác Hựu, bác kèm việc, dạy nghề rất nhiệt tình. Tôi và nhiều người ở đây còn bị khuyết tật, nếu không có bác Hựu thì chắc không bao giờ được đi học nghề gì”.

Tham gia dây truyền bánh đậu xanh của ông Hựu, hầu hết các lao động đã có công việc ổn định với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/tháng. “Có được công việc ổn định không những giúp họ có được cuộc sống tốt hơn mà họ còn có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, xóa đi mặc cảm bản thân”- ông Hựu nói.

Ngoài người khuyết tật, ông Hựu còn sẵn sàng nhận người cao tuổi đi làm nếu họ vẫn có nhu cầu vì “đó chính là niềm vui sống”.