Câu trả lời được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trả lời minh triết. Lớp học “nghề” là nông dân sẽ được học theo quy trình sinh trưởng của cây - con ấy từ khi ấp nở, tới khi trở thành hàng thương phẩm. Vì thế, một lớp dạy nghề nông dân sẽ phải rất linh hoạt về thời gian mở lớp (phù hợp với mùa vụ), đảm bảo yêu cầu về thời gian (có thể kéo dài từ 3-6 tháng) và đặc biệt nông dân phải ghi chép, thậm chí được nghiên cứu một cách bài bản các vấn đề mang tính chất lý thuyết (đặc điểm sinh trưởng, các vấn đề liên quan tới sâu hại, thú y…) trước khi bắt tay vào thực hành để có kiến thức nhất định của một “nghề” thực sự.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là người học phải biết trước mình học để làm gì, tức là phải có mục tiêu cho việc học. Vấn đề này đã được nhiều nông dân thảo luận ngay trong lớp học. Biết mình học để làm gì thì sẽ chủ động được vốn, được mặt bằng để có thể thực hành làm nghề ngay khi lớp học kết thúc. Đó là cách làm của nhiều lớp dạy nghề nông nghiệp cho nông dân hiện nay.
Một “điểm nhấn” nữa, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là “học mà không nhìn, không biết xung quanh thì rất khó có hiệu quả”. Các lớp học dạy nuôi trồng thì phải dạy cả mua bán, tức là gắn sản xuất với thị trường. “Vấn đề lớn nhất đối với nông thôn miền Bắc là ngay sau khi học nghề đã có thể nuôi trồng cây, con với năng suất rất cao nhưng chưa biết bán thế nào. Vì vậy, các lớp học nghề sẽ phải lồng ghép cả các kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, về thị trường cho nông dân” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Như vậy, nếu coi nông dân đang học “nghề” nông thì thực sự con đường phía trước còn rất dài và đòi hỏi nhiều tâm huyết của cả cơ quan nhà nước, người dạy nghề, người học nghề. Và vì thế, trước khi tới lớp học, người nông dân cần trả lời câu hỏi: Họ có sẵn sàng để học một “nghề” thực sự không?
Huyền Lê