Dân Việt

Kỹ thuật trồng hành tím xuất khẩu

21/06/2011 09:48 GMT+7
(Dân Việt) - Huyện Vĩnh Châu là địa phương trọng điểm trồng hành tím của tỉnh Sóc Trăng, mỗi năm trồng trên 4.000ha hành tím.

Sản phẩm hành tím Vĩnh Châu đã có hơn 20 năm nay, cung cấp đi khắp các tỉnh, thành phía Nam và hiện đang là mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao, được các nước trên thế giới rất ưa chuộng.

Do vậy, việc canh tác hướng theo các tiêu chí GAP là cần thiết để vừa đảm bảo chất lượng, hiệu quả, an toàn và về lâu dài xây dựng thương hiệu hành tím cho vùng đất canh tác có truyền thống này.

Kỹ thuật bón phân cho hành tím để vừa đạt năng suất cao vừa đạt theo tiêu chí GAP đã được thực hiện, trình diễn trong vài năm gần đây do Chi Cục BVTV Sóc Trăng thực hiện, xin giới thiệu để tham khảo.

img
Hành tím đạt năng suất cao khi được bón phân đúng kỹ thuật.

Khâu chuẩn bị đất, lên giồng cao hơn 20 cm, chiều dài giồng khoảng 20m. Bón lót 100kg phân hữu cơ sinh học hoặc 0,5 - 1 tấn phân chuồng ủ hoai, 10kg NPK (20-20-15), 10kg lân cải tạo. Phun thuốc trừ cỏ Dual Gold. Sau khi trồng xong, phủ rơm và tưới 1 kg Tricô – ĐHCT lên rơm vào buổi chiều mát. Sử dụng Trichoderma có tác dụng hạn chế nấm bệnh và tuyến trùng trong đất.

Sau khi trồng 1 - 2 ngày, phun Agrispon + Sincocin để giúp cây con ra rễ và phát triển nhanh, đồng thời hạn chế tuyến trùng và nấm gây hại trong đất.

Cây hành ở 10 - 15 ngày tuổi, bón 5 – 10kg Urea. 20 ngày, bón 10 - 15kg NPK + 5kg Urea (trong trường hợp cây tốt thì không cần bón). Khi 30 ngày, bón 10 - 15kg NPK (16-16-8-13S) + 5kg Urê (trong trường hợp cây tốt thì không cần bón). 40 ngày tuổi là giai đoạn hành tạo củ, nên tưới 10 - 15kg NPK (16-16-8-13S) + 5 - 10kg Kali, phun thuốc gốc Cu, tạo màu vỏ củ. Khi 50 ngày, tưới 10 - 15 kg NPK (16-16-8-13S) + 5 - 10kg Kali, phun thuốc gốc Cu; trường hợp cây tốt thì không cần bón đợt này. Giai đoạn 60 - 70 ngày, giảm lượng nước tưới từ từ.

Lưu ý các loại sâu hại như dòi đục lá (trừ bằng cách tìm vết ruồi đẻ trứng trên lá ở lứa đầu tiên và phun luân phiên các loại thuốc: Tinh dầu tỏi, cộng hợp 32 BTN, Kuraba, hỗn hợp Crymax + Abamectin...), sâu xanh da láng, sâu ăn tạp (ngắt ổ trứng và phun thuốc đặc trị ngay lứa đầu tiên để làm giảm mật số tích lũy: Xentari, Bitadin), nhện trắng (phun dây thuốc cá + commite; Dibarote), sâu đục củ hành (phun một trong các loại thuốc Crymax, Xentari, Bitadin)...

Các loại bệnh hại như đốm vòng (phun Ditacin 8L; Trichoderma, 2s Sea & See 12 WP, 12 DD), thối củ (dùng Kasuran, Kasumil, Canthomil, Cuprymicin)... Phun thuốc ngừa hay khi bệnh vừa mới xuất hiện. Ưu tiên phun thuốc sinh học, trường hợp sâu bệnh khó phòng trừ hoặc xuất hiện với mật số, tỷ lệ cao thì phun hỗ trợ thuốc hóa học theo danh mục khuyến cáo của Bộ NN&PTNT và phun theo thời gian cách ly thuốc.