Không phải ngẫu nhiên cứ mỗi kỳ World Cup đến là một lần người hâm mộ than ngắn thở dài với câu hỏi: "Khi nào mới được chứng kiến đội nhà tung hoành trên đấu trường thế giới?".
Thực tế, để đi tới đỉnh cao, ai cũng phải đi qua những năm tháng chông gai ở điểm khởi đầu. Đến giờ, câu chuyện "đôi giày nhỏ" mà Nhật Bản tặng cho Việt Nam cách đây khoảng 50 năm với hàm ý: "Bóng đá Nhật Bản chỉ là chiếc giày nhỏ so với bóng đá VN" vẫn được nhắc đi nhắc lại như một bài học. 50 năm - một khoảng thời gian dài đối với cuộc đời một con người, chứ đừng nói đến "tuổi đời" vốn ngắn ngủi của giới quần đùi áo số. Nhưng nó lại ngắn để một nền bóng đá kém phát triển vươn lên khẳng định mình như một nền bóng đá hàng đầu châu lục.
Giờ thì bóng đá VN mới là "chiếc giày nhỏ" so với bóng đá Nhật Bản, ai cũng biết điều đó. Nhưng làm thế nào để "chiếc giày" của mình ngày một lớn hơn thì còn cần đến nỗ lực, sự đồng lòng hành động từ nhiều phía, chứ không chỉ biết "suông". Cách đây 4 năm, HLV A.Riedl cùng đội tuyển VN đặt mốc son lọt tới tứ kết Asian Cup 2007, nhưng cuối cùng vẫn phải ra đi sau thất bại của đội U23 ở… SEA Games 2007. Và chắc chắn tân HLV Goetz sẽ không hiểu nổi vì sao ông bị sa thải trong trường hợp đưa tuyển Việt Nam tiến sâu ở vòng loại World Cup, nhưng lại thất bại ở SEA Games 2011.
Xem ra, đây là lúc VFF cần xác định rõ bóng đá VN cần gì. Đừng để giấc mơ World Cup mãi không thành hình vì ám ảnh bi kịch "giấc mơ con".
Chính Minh