Dân Việt

Hò Lệ Thủy - điệu hò gắn với nông nghiệp

Phan Phương 10/08/2015 08:11 GMT+7
Là vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất tỉnh Quảng Bình, huyện Lệ Thủy xưa nay nổi tiếng với điệu hò gắn liền với sản xuất nông nghiệp: Hò khoan Lệ Thủy. Câu hò điệu hát đã tưới mát tâm hồn những người nông dân lam lũ nơi đây, giúp họ có thêm động lực trong cuộc sống và lao động.

Người nhớ được 20.000 câu hò

Trời đã sang thu, những cánh đồng lúa chét (lúa tái sinh đặc trưng ở Lệ Thủy) đã vào vụ thu hoạch. Trong làn gió sớm vẫn còn đậm mùi thơm lúa mới, ở góc vườn xanh mát, cụ bà Đỗ Thị Hồng Minh (xã Liên Thủy, Lệ Thủy) đang đung đưa cánh võng, cất tiếng hát đối một mình: "Lệ Thủy Kiến Giang mênh mông sông nước/Đồng xanh lúa lượn thẳng cánh cò bay/Quê hương tình nặng nghĩa dày/Lồng trong câu hát đong đầy nắng sương/ Lệ Thủy gạo trắng nước trong/Ai về Lệ Thủy thong dong con người/Câu hò vang vọng ngàn đời/ Đêm trăng cối gạo tình người đắm say...

img

Các nghệ sĩ nông dân trong một lần sinh hoạt CLB Hò khoan ở Lệ Thủy.     Ảnh:     Phan Phương 

Dù đã ở cái tuổi xế chiều, nhưng giọng cụ Minh ấm áp đến lạ lùng. Tiếng phách đều đều như gõ nhạc vào lòng người. Người nhà cụ bảo, ngày nào  không hát hò khoan, cụ không thể làm được gì, sáng sớm phải hát, chiều hôm phải hát. Hò khoan với cụ Minh, đó là hồn điệu của ngày xưa còn lại để cụ yêu thêm cuộc sống hôm nay…

Trò chuyện với cụ Minh mới được biết, không chỉ hát hò cho vui, trong trí nhớ của cụ là một kho tàng hò khoan độc đáo. Cụ luyến láy âm điệu khi ngân khi trầm giọng, khi xướng khi nói, khi đáp khi vần các câu hát để lại từ ngày xưa rất thú vị. Cụ Minh vẫn còn nhớ được khoảng hơn 20.000 câu hò khoan có nội dung từ lao động sản xuất đến tình cảm yêu nước, từ thương nhớ bản quán đến hò hẹn đêm trăng của các đôi lứa yêu nhau. Không chỉ cụ Minh, ở huyện lúa Lệ Thủy, hò khoan hình như đều đã ăn sâu vào máu thịt của nhiều thế hệ người dân nơi đây. Nghệ nhân Đặng Thị Hồng Hới (xã Kiến Giang, Lệ Thủy) cho biết, hò khoan Lệ Thủy có 9 mái (làn điệu), trong đó có mái cơ bản là mái chè, mái nện, mái xắp, mái ba, mái ruỗi, mái nhì và hò nậu xăn, hò khơi (miền biển), hò lỉa trâu (miền đồi núi). Nằm trong hệ thống dân ca Bình - Trị - Thiên nhưng hò khoan Lệ Thủy có nét riêng, có hệ thống bài bản quy định rất chặt chẽ về làn điệu (mái hò), lối hò (chủ đề), có bài bản và quy định rõ ràng. Hò khoan Lệ Thủy có nguồn gốc từ hoạt động lao động sản xuất, thể hiện sự đoàn kết của con người chống chọi với thiên nhiên.

Điều đặc sắc ở chỗ, người hò cái, hò con trong hò khoan Lệ Thủy ngang bằng nhau về “vai vế”, ai cũng có thể thành người hò cái và ngược lại. Điều này lý giải vì sao hò khoan Lệ Thủy sinh ra để phục vụ văn hóa lễ hội và không có mặt ở văn hóa cung đình. Nó cũng lý giải vì sao hò khoan Lệ Thủy dễ dàng ăn sâu vào máu thịt của người dân, đặc biệt là thế hệ người già ở nông thôn xứ Lệ. “Không chỉ các ngày hội làng, hò khoan mới được cất lên, ngay cả những buổi họp thôn, bao giờ các cô chú trong làng đi họp sớm, họ hát tặng nhau những câu hò quê hương” - ông  Võ Như May - nhà sưu tầm, sáng tác lời mới có tiếng ở Lệ Thủy chia sẻ.

Làng nào cũng có câu lạc bộ hò khoan

Để một loại hình sinh hoạt dân gian này giữ mãi cho mai sau, từ năm 2010, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Lệ Thủy đã bắt đầu đưa hò khoan vào giảng dạy từ mầm non đến cấp 2.

"  Ở Lệ Thủy  bây giờ, làng nào cũng có câu lạc bộ hò khoan hoạt động rất hiệu quả. Các bác, các cô, các anh, các chị sau thời gian nông vụ, tập hợp nhau lại để người già truyền cho người trẻ, người nhỏ học người lớn”.

Ông Hoàng Đại Hữu 

Chúng tôi gặp em Hoàng Thị Thanh (lớp 7 Trường THCS Phong Thủy) đang say sưa gõ phách tại Câu lạc bộ Hò khoan xã Phong Thủy. Thanh cho biết: “Cháu cùng các bạn tập lại bài hò để biểu diễn trong lễ khai giảng năm học mới. Ở trường cháu, vào các dịp lễ, tết, chúng cháu đều biểu diễn các điệu hò khoan lời mới”.

Ông Hoàng Đại Hữu - Chủ tịch Hội Văn hóa nghệ thuật huyện cho rằng, với việc đưa vào giảng dạy ở trường học, hò khoan đã được tiếp sức để bám sâu vào cội rễ lòng người, đặc biệt là thế hệ trẻ. “Ở Lệ Thủy  bây giờ, làng nào cũng có câu lạc bộ hò khoan hoạt động rất hiệu quả. Các bác, các cô, các anh, các chị sau thời gian nông vụ, tập hợp nhau lại để người già truyền cho người trẻ, người nhỏ học người lớn…”- ông Hữu nói.

Bây giờ, hò khoan với người Lệ Thủy được ví như kỳ quan phản ánh tấm gương của họ từ mấy trăm năm trước cho đến ngày nay một cách bền bỉ. Ai đến Quảng Bình, hay bất cứ ở đâu mỗi lần nghe cất lên bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” sẽ đều nhẩm hát và xướng lên trong lòng điệu từ: “Khoan khoan hò khoan”, một bài tình ca có lẽ được hát nhiều nhất từ ngày nó ra đời đến hôm nay cũng từ dòng mạch cảm hứng “hò khoan” ấy.