Dân Việt

Báo chí ngày càng xông xáo

21/06/2011 09:00 GMT+7
(Dân Việt) - Trước thềm lễ trao giải báo chí quốc gia 2010 tổ chức tại Hà Nội tối 21.6.2011 được truyền hình trực tiếp, NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo VN.

Ông Huệ cho biết: 4 lần giải báo chí quốc gia trước, tác phẩm tham dự đều dưới 1.000, lần này có 1.321 tác phẩm của 125 đơn vị tham dự. Chất lượng khá đồng đều từ T.Ư đến địa phương. Nhưng chủ đề, cách thể hiện của các báo chí T.Ư tốt và sâu hơn, có tính toàn quốc hơn. Đáng chú ý là cơ chế giải ảnh báo chí có thay đổi, các phóng viên tự gửi nên số lượng gấp đôi năm trước.

img
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm và làm việc với Báo NTNN ngày 8.6.2011.

Năm 2010 có nhiều sự kiện quan trọng nên đề tài các báo quan tâm rất phong phú: Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Đại hội Đảng cơ sở, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc.

Nhiều tác phẩm phản ánh tình hình xã hội: Văn hoá giáo dục, bảo vệ môi trường, chống thiên tai lũ lụt, sự tham gia của cộng đồng trong việc chống tham nhũng… Nhiều tác phẩm báo chí ngày càng thể hiện sự xông xáo, kịp thời nắm bắt và phản ánh, điều tra các sự việc. Tuy nhiên vẫn chưa có nhiều tác phẩm nổi trội.

img
Ông Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo VN.

Lần này, vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân được quan tâm ở mức độ nào, thưa ông?

- Chủ đề này nói chung qua các kỳ trao giải, nhiều tác phẩm đã giành giải cao, trong đó, Báo NTNN cũng nhiều lần có giải.

Lần này, một số tác phẩm đi vào từng khía cạnh như xây dựng nông thôn mới, những bất cập trong đầu ra của sản phẩm, khắc phục thiên tai, dịch bệnh…

Tuy nhiên, nhiều bài chưa có phát hiện mới mà chủ yếu tập trung vào tuyên truyền Nghị quyết của T.Ư về tam nông. Cần có những điểm nhấn sâu sắc, mạnh mẽ hơn nữa.

Ngày càng có thêm các giải báo chí của bộ ngành, địa phương bên cạnh giải báo chí quốc gia, ông có suy nghĩ gì về thực tế này?

- Đáng mừng khi các ban ngành tổ chức các giải chuyên ngành về nhiều lĩnh vực: Nông nghiệp, dầu khí, công nghệ thông tin, phòng chống HIV/AIDS… Điều đó thể hiện các cơ quan có sự chú ý, khuyến khích báo chí đi sâu phản ánh, tác động xã hội ở những vấn đề cụ thể, và nhiều nhà báo cũng thể hiện tốt trách nhiệm công dân của mình.

Với 161 tác phẩm lọt vào chung khảo thuộc 8 loại giải, có 69 tác phẩm đoạt giải, trong đó có 2 giải A, 24 giải B, 43 giải C. Ngoài các giải chính thức, Hội đồng giải báo chí quốc gia 2010 quyết định trao 59 giải khuyến khích, trong đó có loạt bài về cá tra bị đưa vào danh sách đỏ của NTNN.

Có điều công tác tuyên truyền, phổ biến của các giải báo chí này chưa được như mong muốn, hiệu quả chưa cao với xã hội. Đây là một xu hướng tốt rất cần phát huy và Hội Nhà báo VN sẵn sàng tham gia tổ chức cùng các ban ngành để đời sống báo chí đất nước thêm sôi động.

Các tác phẩm dự giải và đoạt giải hàng năm cũng là một cơ sở nhằm đánh giá tình hình báo chí để có những hỗ trợ phù hợp. Theo ông, sắp tới có những vấn đề gì cần thực hiện?

- 5 năm qua, Chính phủ đã dành nguồn kinh phí nhất định cho các cơ quan báo chí, VHNT sáng tạo tác phẩm chất lượng cao. Nguồn kinh phí này đang được tăng lên, mong các cơ quan hội, đơn vị sử dụng tốt để có những tác phẩm tốt tham dự các giải báo chí quốc gia và chuyên ngành.

Về phía Hội Nhà báo, thời gian tới sẽ củng cố, nâng cao vai trò, vị trí của Hội với tư cách một hội chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Hội sẽ đẩy mạnh các công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, làm tốt đề án hỗ trợ sáng tạo tác phẩm chất lượng cao, triển khai đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí cách mạng VN, xây dựng Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí góp phần hỗ trợ cho anh chị em nhà báo, hội viên các đơn vị và các Hội cơ sở.

Xin cảm ơn ông!