Dân Việt

Tự kiểm Ngày nhà báo

21/06/2011 09:50 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày Nhà báo Việt Nam, một dịp để nhà báo lắng đọng và suy nghĩ. Nhiều vấn đề quan trọng, có ý nghĩa đối với nghề nghiệp, nhưng có khi người cầm bút ít quan tâm hơn là chỉ viết để có được một bài báo nộp cho tòa soạn.

Bạn đọc đang đánh giá như thế nào về báo chí và đang tiếp nhận báo chí với thái độ như thế nào? Bạn đọc có tin cậy vào những thông tin đăng tải trên các mặt báo hay có sự hoài nghi về tính trung thực của nó? Có phải bạn đọc đang quay lưng với báo chí hay không? Tại sao chúng ta không thẳng thắn đặt ra những câu hỏi như vậy để phân tích và có nhận thức đúng đắn hơn về nghề nghiệp của mình?

Trên thực tế, có không ít bài báo viết không đúng sự thật và để lại hậu quả cho người dân và xã hội. Nhà báo từng đưa tin về chất gây ung thư có trong sầu riêng, trong trứng gà và một số trái cây, thực phẩm khác. Những thông tin không chính xác đó từng làm cho nông dân điêu đứng, nhiều hộ chăn nuôi, trồng trọt phải tán giá bại sản. Trong khi đối tượng của thông tin bị thiệt hại thê thảm, thì người gây ra chỉ cải chính thông tin bằng một bài báo khác.

Xã hội đã có cái nhìn khác đối với doanh nhân, không coi doanh nhân là con buôn, là gian thương hoặc bóc lột như trước. Xã hội rất tôn trọng, xem doanh nhân là lực lượng xung kích trong thời kỳ hội nhập, dành một ngày lễ để kỷ niệm và tôn vinh doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp. Thế nhưng, còn có những người nhìn doanh nhân không với tình cảm và chia sẻ như vậy. Đối với những doanh nghiệp làm ăn gian dối đương nhiên phải phê phán, nhưng đôi khi có những bài báo không khách quan như thế.

Do thiếu thiện cảm hoặc do thiếu kiến thức, có những bài báo sai lệch bản chất của vụ việc, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp hoặc cá nhân của một doanh nhân. Đã từng có những doanh nghiệp kêu trời than đất vì một bài báo đưa tin không chính xác về mình. Thậm chí, có trường hợp doanh nghiệp bị phá sản chỉ vì những bài viết không đúng sự thật.

Doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, phải đối phó với lắm thử thách và rủi ro để tồn tại. Trong một môi trường kinh doanh chưa được thuận lợi và khá hoang dã thì tính sát thương càng rất cao, đó là nỗi khổ và mối nguy hiểm thường trực đối với doanh nghiệp. Cho nên, nếu có được sự ủng hộ từ báo chí quả thật là một sự khích lệ rất lớn.

Nhiều bị can , bị cáo của một vụ án bị tạm giam hoặc đưa ra xét xử. Một nguyên tắc hiển nhiên và văn minh của nhân loại là họ chưa có tội trước khi có sự tuyên phạt của tòa án bằng một bản án có hiệu lực pháp luật. Trong những bị can, bị cáo đó, có nhiều người có thể rơi vào oan sai, họ không có hành vi phạm tội như kết luận điều tra, cáo trạng, hoặc thậm chí là bản án của tòa án.

Thế nhưng, nhiều bài báo chỉ căn cứ vào kết luận điều tra, cáo trạng để viết bài điều tra cho riêng mình, kết tội công dân bằng một phiên tòa mà thẩm phán là nhà báo. Đối với những công dân bị oan sai, họ đã rất đau khổ vì kết luận của cơ quan điều tra, cay đắng với cáo trạng của viện kiểm sát, họ còn hy vọng vào cơ quan báo chí. Nhưng đã có nhiều người từng thất vọng vì nhà báo đã không có sự sáng suốt và sức mạnh của “quyền lực thứ tư” như họ từng gửi gắm và tin cậy.