Dân Việt

Tìm điển hình để tuyên truyền

21/06/2011 07:12 GMT+7
(Dân Việt) - 50 năm cầm bút viết về nông thôn, nhà báo Trần Lê - một thời từng là PV Báo NTNN, ở tuổi 73 vẫn luôn đau đáu với người nông dân một nắng, hai sương, chân lấm tay bùn.

Trước thềm 86 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông đã chia sẻ với NTNN những kinh nghiệm quý báu.

Cơ duyên nào đã đưa ông gắn bó với nông thôn, nông dân?

- Năm 1986, ông Vũ Oanh lúc đó đang là Trưởng ban Nông nghiệp đã xin tôi từ Báo Đại Đoàn Kết về Ban trù bị Hội Nông dân VN để cùng một số đồng chí nữa xây dựng một tờ báo dành riêng cho nông dân. Đầu tiên đó chỉ là một bản tin 4 trang có tên là Nông Dân Mới, sau đó đổi thành Nông Thôn Mới và bây giờ là Báo NTNN.

Lúc đó ngoài tờ Nông Dân Mới thì chỉ có tờ Nông Nghiệp VN của Bộ Nông nghiệp chuyên viết về sản xuất. Báo được phát hành qua bưu điện về các xã nhưng trong hoàn cảnh lúc đó thì báo chí đối với người nông dân còn khá xa lạ. Với vai trò của người làm báo, chúng tôi đã cố gắng hết sức để tờ báo của Hội thực sự trở thành người bạn tin cậy của người nông dân.

Ông thấy các tờ báo tam nông đã đáp ứng đủ nhu cầu thông tin của người nông dân chưa?

img Tuyên truyền cho nông dân, đặc biệt là nông dân các vùng cao, thì phải diễn đạt bằng ngôn ngữ của họ. img

Nhà báo Trần Lê

- Theo tôi, số lượng báo tam nông khá nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của nông dân. Cũng có những tờ báo mở chuyên mục dạy làm giàu nhưng thường mới chỉ nêu ra những đầu đề, còn cụ thể làm thế nào, cầm tay chỉ việc ra sao thì chưa đáp ứng được. Nhiều khi có những chuyên mục nhỏ trên báo mình lập ra nhưng lại giúp người nông dân thu được rất nhiều kiến thức trong cuộc sống.

Ví dụ như ngày xưa tôi từng lập ra chuyên mục "Thuốc trong vườn nhà" trên Báo Nông Thôn Mới. Ở thành phố bị làm sao thì có thể chạy ngay ra hiệu thuốc, nhưng ở nông thôn hẻo lánh thì không có điều kiện đó được, cần có hướng dẫn họ.

Người nông dân cần nhất những thông tin gì?

- Nông dân thiếu nhất kiến thức về thị trường và thương trường. Một lần tôi đi công tác ở một huyện của tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Bí thư Huyện ủy giới thiệu một chủ trang trại gà rất lớn tên là Tám Lợi. Nhờ vay mượn, dành dụm được ít tiền, Tám Lợi mua chiếc xe máy cũ chạy xe ôm kiếm sống rồi chở thuê gà, rồi học cách buôn bán, dựng lên một trại gà nho nhỏ. Rồi khá giả dần, có của ăn của để.

Trại gà của Tám Lợi phát triển mạnh mẽ và đã đánh bại tất cả gà, trứng của Trung Quốc đổ sang Quảng Ninh. Tôi nhận ra rằng người nông dân học làm giàu rất nhanh nhưng chẳng ai dạy cách thức cho họ cả. Báo chí chúng ta cần tìm ra nhiều gương điển hình như Tám Lợi để tuyên truyền cho người nông dân học theo.

Ngoài việc cung cấp những thông tin, báo chí cần phải làm gì để thực sự trở thành người bạn tin cậy của nông dân?

- Mỗi bài báo viết ra, chúng ta phải đem đến cho người nông dân những thông tin mới có lợi cho sản xuất và cuộc sống của họ. Tôi quen anh Phùng Quang Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Khoảng 6 năm trước, anh Hùng từng đề nghị với Trường Cao đẳng Kỹ thuật tỉnh nhà tổ chức dạy nghề cho nông dân trong tỉnh. Khóa học chỉ một tuần nhưng sau đó trong sản xuất, nông dân gặp vấn đề gì khó khăn đều có thể gọi điện nhờ giúp đỡ. Nhà trường cũng thường xuyên cử cán bộ hỗ trợ.

Nhiệm vụ của phóng viên chúng ta là phải viết bài tác động đến các trường kỹ thuật trong cả nước để nhân rộng được những mô hình như trên. Ngoài ra, báo chí còn phải giới thiệu các mô hình nuôi trồng tốt để người nông dân bán được sản phẩm.