Dân Việt

Tòa được xử tội nặng hơn tội VKS truy tố?

Ngân Nga 11/08/2015 08:32 GMT+7
Đề xuất tòa có quyền xét xử bị cáo về tội danh khác nặng hơn tội danh mà VKS đã truy tố trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) đang gây ra rất nhiều tranh luận.

Theo Điều 196 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và tòa đã quyết định đưa ra xét xử. Tòa có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố.

Xét xử không có giới hạn?

Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn của việc xét xử tại Điều 293. Theo đó, ngoài quy định như trên, dự thảo bổ sung thêm khoản 3: Trường hợp có căn cứ để xét xử bị cáo về tội nặng hơn tội mà VKS đã truy tố thì tòa trả hồ sơ để VKS quyết định việc truy tố lại. Trường hợp VKS vẫn giữ tội danh đã truy tố thì tòa có quyền xét xử bị cáo về tội danh khác nặng hơn tội danh mà VKS đã truy tố nhưng quá trình xét xử phải bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo và tuân thủ các quy định khác của bộ luật này.

Tại hội thảo về sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự do Ủy ban Tư pháp Quốc hội vừa tổ chức tại TP.HCM, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn đã ủng hộ việc cho tòa được xử tội khác nặng hơn tội mà VKS truy tố. Theo ông Sơn, thực tế có không ít vụ VKS truy tố tội A nhưng tòa lại cho rằng bị cáo phạm tội B. Nếu như tội B nhẹ hơn tội A thì theo luật, tòa được phép xử nhưng nếu tội B nặng hơn tội A thì tòa chỉ có thể trả hồ sơ hoặc xử theo tội VKS truy tố rồi kiến nghị tòa cấp trên hủy án của chính mình.

“Việc xét xử như vậy không đúng bản chất sự việc. Tôi nghĩ trong xét xử thì không có giới hạn, VKS truy tố, còn tội gì để cho tòa xét xử, như thế tòa mới bảo vệ được công lý” - ông Sơn nói.

img

Có chuyên gia nhận xét nếu cho tòa quyền xử tội nặng hơn tội mà VKS truy tố thì vụ án sẽ không bị kéo dài vì hồ sơ bị trả đi trả lại. Ảnh minh họa: CTV

Ngay lập tức PGS-TS Nguyễn Thái Phúc (nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp) phản đối: “Tòa là cơ quan xét xử chứ không có chức năng buộc tội, nếu vượt qua giới hạn đó, tòa sẽ không còn là tòa nữa”.

Ông Phúc phân tích: Nhà nước trao cho VKS chức năng buộc tội và VKS phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khi tòa vượt quá chức năng xét xử, tòa đã trở thành cơ quan buộc tội. Mặt khác, làm như vậy là tòa đã vô hiệu hóa quyền bào chữa của bị cáo. Chẳng hạn VKS truy tố bị cáo về tội cố ý gây thương tích, luật sư cũng bảo vệ cho thân chủ theo hướng cố ý gây thương tích. Đùng một cái tòa tuyên bị cáo phạm tội giết người, như vậy toàn bộ quyền bào chữa của bị cáo đã bị vô hiệu hóa.

Từ đó, ông Phúc đã đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành.

Hai quan điểm

Trao đổi với các chuyên gia, Pháp luật TP.HCM cũng đã ghi nhận được hai luồng quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp) ủng hộ đề xuất của ông Nguyễn Sơn và lý giải: Bản án phải được căn cứ vào kết quả thẩm tra chứng cứ và tranh tụng tại phiên tòa trên cơ sở xem xét toàn diện khách quan các tình tiết của vụ án. Theo Hiến pháp, chỉ có tòa án mới quyết định bị cáo phạm tội gì. Do đó, tòa phải được xét xử bị cáo về tội nặng hơn tội mà VKS truy tố.

Để bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, ông Đương đề xuất quy định đầu tiên tòa phải trả hồ sơ để VKS làm lại cáo trạng mới, truy tố bị cáo về tội danh nặng hơn. Bị cáo và người bào chữa phải được biết điều này. Sau khi tòa trả hồ sơ mà VKS vẫn giữ nguyên cáo trạng truy tố ban đầu thì lúc này tòa có quyền xử tội nặng hơn. Như vậy, tòa chỉ cần trả hồ sơ một lần. Còn nếu VKS, bị cáo không đồng ý thì có quyền kháng nghị, kháng cáo.

Ngược lại, các luật sư Nguyễn Văn Chiến (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.Hà Nội), Trịnh Minh Tân (Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) lại ủng hộ quan điểm của ông Nguyễn Thái Phúc.

Theo luật sư Tân, việc cho tòa quyền xử tội nặng hơn tội VKS truy tố đi ngược lại nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự, đi ngược tinh thần cải cách tư pháp, trái quy định trong Hiến pháp 2013 về thẩm quyền xét xử. “Buộc tội thuộc về cơ quan có chức năng thực hành quyền công tố là VKS. Tòa giành luôn chức năng buộc tội thì không còn là tòa án đúng nghĩa nữa, không còn là cơ quan xét xử như Hiến pháp đã quy định” - luật sư Tân nói.

Hãy cho tòa tự quyết định tội danh

Lúc còn là chánh án TAND thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), tôi từng tuyên một bị cáo không phạm tội dù rõ mười mươi bị cáo này phạm tội khác nặng hơn. Chuyện là bị cáo này tới tiệm gas mua bình gas. Lúc đó không có chủ quán, chỉ có cháu bé tám tuổi, con của chủ quán. Bị cáo nói: “Chú lấy bình gas nhé”. Cháu bé nói chờ mẹ về, nhưng bị cáo vẫn lấy bình gas ra xe. Bị cáo lên xe chạy, cháu bé kéo xe lại thì bị cáo đạp cháu bé ngã xuống rồi chở bình gas đi.

VKS truy tố bị cáo này tội cưỡng đoạt tài sản, nhưng tôi cho rằng đầu tiên bị cáo có dấu hiệu phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, sau đó chuyển hóa thành tội cướp tài sản do dùng vũ lực. Tôi trả hồ sơ nhiều lần, nhưng VKS không chịu. Khi ra tòa, dựa trên lời khai và chứng cứ có trong hồ sơ, HĐXX đã tuyên bị cáo không phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Tuy nhiên, trong bản án, HĐXX vẫn kiến nghị tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm để VKS truy tố bị cáo về tội cướp tài sản. VKS cũng kháng nghị đề nghị xử bị cáo theo hướng phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Tòa phúc thẩm hủy án, sau đó VKS tỉnh đã truy tố bị cáo về tội cướp tài sản và tòa cũng xử tội này.

Vụ khác, một người dùng dao đâm vào vai nạn nhân rồi lại rút ra tiếp tục đâm vào cột sống của nạn nhân, do mũi dao gãy nên nạn nhân thoát chết (tỉ lệ thương tật là 25%). Thủ phạm chỉ bị VKS truy tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự. Tôi cho rằng người này có dấu hiệu phạm tội giết người vì ý thức là nhằm tước đoạt mạng sống của nạn nhân, việc nạn nhân không chết là ngoài ý muốn của anh ta. Vì thế tôi đã trả hồ sơ, yêu cầu chuyển lên cấp tỉnh để xử lý về tội giết người, nhưng VKS không đồng ý. Do bị giới hạn xét xử, HĐXX đã phạt bị cáo bảy năm tù về tội cố ý gây thương tích, đồng thời kiến nghị cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm để rút hồ sơ lên truy tố về tội giết người. Cuối cùng kiến nghị này đã được cấp phúc thẩm chấp nhận.

Không phải thẩm phán nào cũng dám mạnh dạn tuyên bị cáo không phạm tội. Vì giới hạn xét xử, tòa cứ phải xử theo truy tố của VKS rồi mới kiến nghị hủy án, vô cùng mất thời gian. Hãy để tòa có thể xử tội danh, điều luật khác phù hợp với hồ sơ và diễn biến tranh luận tại phiên tòa. Có như thế mới hạn chế việc trả hồ sơ nhiều lần, cơ quan điều tra và VKS mới nâng cao được trách nhiệm. Nếu VKS không đồng ý thì vẫn có quyền kháng nghị.

Luật sư Phan Ngọc Nhàn, Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk