Giai đoạn 1954 - 1975 được coi là thời kỳ hình thành và phát triển của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Sau Chung một dòng sông, các nhà làm phim phía Bắc tiếp tục gây tiếng vang với Vợ chồng A Phủ (1961), Lửa trung tuyến (1961), Con chim vành khuyên (1962), Chị Tư Hậu (1963)... Lớp diễn viên điện ảnh khóa đầu tiên của điện ảnh miền Bắc khi đó có nhiều người nam như Lâm Tới, Long Vân, Huy Thành, Hải Ninh, nhưng Trần Phương được nhớ nhất vì luôn được chọn vào vai chính diện.
Sau năm 1954, ở miền Nam, điện ảnh là bộ môn giải trí cao cấp của giới thanh thiếu niên thành thị. Đóng cặp với những minh tinh Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng, Túy Hồng, Kim Cương... thời kỳ này là những "kép đẹp" như Trần Quang, Lê Quỳnh, La Thoại Tân. Họ chẳng những đẹp về ngoại hình, sắc vóc mà còn sở hữu khả năng hoạt động nghệ thuật đa dạng như diễn xuất, hát, làm MC, tấu hài, sáng tác, chơi nhạc...
NSND Trần Phương
Trần Phương nổi tiếng nhờ vai chính trong phim Vợ chồng A Phủ được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Tô Hoài. Trước đó, ông tham gia một vai phụ trong bộ phim đầu tiên của điện ảnh Cách mạng Việt Nam với êkíp hoàn toàn là người Việt - Chung một dòng sông. Trần Phương tốt nghiệp lớp Diễn viên điện ảnh khóa một của Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, trở thành văn công kháng chiến rồi tham gia đóng phim.
Sau vai diễn trong Vợ chồng A Phủ, Trần Phương diễn đủ dạng vai từ già đến trẻ như Khoa - chồng Tư Hậu trong Chị Tư Hậu (1963), Khiêm trong Tiền tuyến gọi (1969), Sơn trong Biển gọi (1970), Tiệp trong Ngày lễ thánh, Lực trong Vợ chồng anh Lực...
Sau khi thành công trong vai trò phó đạo diễn của hai bộ phim Chuyến xe bão táp và Những người đã gặp, Trần Phương chuyển hẳn sang làm đạo diễn. Trong sự nghiệp, ông ghi dấu với nhiều bộ phim gây tiếng vang, trong đó có Tội lỗi cuối cùng. Bộ phim đem lại cho Trần Phương giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ năm với vai trò biên kịch, đạo diễn. Tội lỗi cuối cùng cũng là bộ phim mang lại cho diễn viên Phương Thanh giải "Nữ diễn viên xuất sắc" với vai Hiền "cá sấu".
Thời hoàng kim, Trần Phương liên tục thành công ở những bộ phim như Đứng trước biển, Hy vọng cuối cùng... Ông là một trong những đạo diễn đầu tiên được các hãng phim trong Nam mời cộng tác ở thời kỳ đỉnh cao của dòng phim thị trường những năm 1990. Những bộ phim ăn khách của Trần Phương gồm Vụ án hồ con Rùa, Săn bắt cướp, Thủ môn từ trên trời rơi xuống, Tình ngỡ đã phôi pha, Dòng sông hoa trắng...
Với những cống hiến cho điện ảnh, Trần Phương được phong tặng NSND năm 2001. Các phim Hy vọng cuối cùng, Tội lỗi cuối cùng, Dòng sông hoa trắng do ông đạo diễn giành được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007. Hiện Trần Phương an dưỡng tuổi già bên gia đình tại Hà Nội.
Trần Quang
Sinh năm 1942 tại Vientiane (Lào), Trần Quang từng tốt nghiệp thủ khoa khóa đầu tiên trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (1960 - 1963). Ông bắt đầu đóng phim vào năm 1968, đoạt giải "Nam diễn viên xuất sắc" qua vai Hoàng Guitar trong phim Vết thù trên lưng ngựa hoang (đạo diễn Lê Hoàng Hoa) vào năm 1971.
Sau ngày đất nước thống nhất, Trần Quang tham gia các phim Cô Nhíp (đạo diễn Khương Mễ, 1975), Tội lỗi cuối cùng (đạo diễn Trần Phương, 1979), Con thú tật nguyền (đạo diễn Hồ Quang Minh, 1980). Bộ phim cuối cùng Trần Quang tham gia tại Việt Nam là Vết thù năm tháng (1982) do ông và Phạm Thùy Nhân viết kịch bản, Lê Mộng Hoàng đạo diễn.
Năm 1982, Trần Quang sang Mỹ định cư. Tại đây, ông theo học một khóa tu nghiệp về đạo diễn và sản xuất phim ở Hollywood Film Institute. Sau khi tốt nghiệp, Trần Quang làm MC và diễn kịch để sinh sống... Những năm gần đây, ông thường xuyên đi về giữa Mỹ và Việt Nam cho các dự án phim điện ảnh.
La Thoại Tân
La Thoại Tân là nghệ danh của diễn viên Phạm Văn Tần. Ông sinh năm 1937 tại Sài Gòn, sớm bén duyên với kịch nghệ nhờ vẻ hào hoa, đẹp trai. Ông cũng được ghi nhận ở khả năng đa dạng đóng phim, kịch, hát và làm MC.
Trước khi điện ảnh Việt Nam cho ra đời những tác phẩm đầu tiên, La Thoại Tân đã là cái tên nổi tiếng với hàng loạt vở kịch của nghệ sĩ Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng. Một thời La Thoại Tân từng là cái tên bán vé cho các vở hài kịch. Ông được khán giả nhớ nhiều trong chương trình 45 phút chuyện vui hay các chương trình đại nhạc hội Trường Xuân và Duy Ngọc những năm trước 1975.
Song song với diễn kịch, La Thoại Tân còn đóng cặp với các minh tinh Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Túy Hồng trong nhiều bộ phim điện ảnh như Trương Chi Mị Nương (1956), Lệ đá (1971), Gánh hàng hoa (1971), Hoa mới nở (1973)... Vai diễn trong phim Tứ quái Sài Gòn (1973) cũng là dấu ấn đáng nhớ trong sự nghiệp điện ảnh của nam diễn viên.
Sau năm 1975, La Thoại Tân sang nước ngoài định cư, tiếp tục hoạt động nghệ thuật trong cộng đồng người Việt. Ông tham gia các phim Gia đình cô Tư, Gia đình cô Út, Trà hoa nữ, Dưới hai màu áo... La Thoại Tân kết hôn với bà Nguyễn Thị Ngọc Anh và có hai người con - một trai, một gái. Ông mất ngày 13/3/2008 tại Mỹ, hưởng thọ 71 tuổi.
Lê Quỳnh
Lê Quỳnh sinh ngày 6/9/1934 tại Hà Nội, di cư vào Nam năm 1954. Ông từng đảm nhận hàng loạt vai chính trong các phim của điện ảnh Việt Nam trước 1975 như Hồi chuông Thiên Mụ, Mưa rừng, Đôi mắt người xưa, Ngàn năm mây bay, Bụi phấn hồng, Từ Sài Gòn đến Ðiện Biên Phủ, Chờ sáng, Tổ Đặc Công 13, Mùa thu cuối cùng, Bẫy ngầm... Vai diễn trong phim Bẫy ngầm đem lại cho Lê Quỳnh giải thưởng "Nam diễn viên xuất sắc". Ông nhiều lần đại diện cho Việt Nam tham dự các Đại hội điện ảnh Quốc tế thời bấy giờ.
Ngoài vai trò diễn viên, ca sĩ, Lê Quỳnh còn được biết đến với vai trò đạo diễn và là chồng cũ của danh ca Thái Thanh (con gái của họ là ca sĩ Ý Lan). Sau năm 1975, Lê Quỳnh cùng gia đình sang nước ngoài định cư. Tại đây, ông tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài. Tài tử trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Los Angeles, Mỹ ngày 5/1/2008, hưởng thọ 74 tuổi. Trong ký ức của đạo diễn Lê Dân, Lê Quỳnh là một diễn viên "ga lăng, tốt bụng và khá đào hoa ở ngoài đời".
Anh Tứ
Trước năm 1975, Anh Tứ được coi là một kép đẹp nổi tiếng của Sài Gòn trong những dạng vai công tử hiền lành, ham học. Ông diễn chung với diễn viên Tuyết Vân trong phim Hương thề chưa dứt của hãng Anpha, với Khánh Ngọc trong phim Ràng buộc và một loạt phim điện ảnh khác với "kỳ nữ" Kim Cương.
Khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao, Anh Tứ đột ngột treo cổ tự tử trong một căn phòng tại hãng phim Anpha.