Dân Việt

Điểm nghẽn của hành tím sạch ở Vĩnh Châu

Hoàng Lan 12/08/2015 10:30 GMT+7
Với diện tích trồng hành tím 6.000 – 7.000ha, thì khoảng 4.000 – 5000ha rơi vào khê đọng khi chỉ bán hàng thô. Tuy có nhiều nhà kho mọc lên, nhưng chính sách khuyến khích đầu tư không có điểm nhấn chế biến sản phẩm giá trị tăng thêm nên hầu hết doanh nghiệp bỏ vốn ra làm nhà xưởng bề thế, chẳng qua là tích trữ, mua đi bán lại hàng thô.

Lạc hướng

Hợp tác xã (HTX) củ hành tím Vĩnh Châu, chính thức ra mắt từ 31.3.2014, được kỳ vọng như hình mẫu về cách làm hàng sạch để có thể kết nối với các doanh nghiệp chế biến tạo ra giá trị gia tăng. Một doanh nghiệp đã hỗ trợ kinh phí huấn luyện, chứng nhận Global GAP để làm hàng xuất khẩu sang Indonesia. Các nông hộ được trạm bảo vệ thực vật tập huấn kỹ thuật canh tác.

img

Trong nhiều cách giải cứu hành tím, Canadian International Development Agency (CIDA) chọn giải pháp thúc đẩy làm hàng sạch thay vì cứ phụ thuộc vào công nghiệp hoá chất, thông qua dự án hỗ trợ SME tỉnh Sóc Trăng, xây dựng hình mẫu ở Vĩnh Châu, nơi có sản lượng hành tím lớn nhất nước (160.000 tấn/năm).

Có được chứng nhận đạt chuẩn Global GAP, nhưng chính chủ tịch hội đồng quản trị (cũ) kiêm giám đốc HTX sử dụng ưu thế vượt trội này để kiếm lời cho công ty riêng. Một trong những hậu quả lâu dài của việc làm ăn bất minh (trộn hàng được chứng nhận Global GAP với hàng hoá đại trà), không chỉ làm nội bộ xung đột mà sản phẩm còn bị nghi ngờ khi đưa ra thị trường.

Chưa hết, khi ông Thành và ông Quang – HĐQT mới – lật lại từng biên bản thoả thuận hợp tác với HTX để tìm đối tác: VinMart, Big C, Co.opmart…tá hoả trước biên bản ma, không hề có tên người cụ thể, không số điện thoại, không địa chỉ email… được kẹp cẩn thận trong hồ sơ của HĐQT cũ.

Cái khó của bước chuyển mình

Ông Sơn Minh Thành, chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX mới được bầu từ 16.6.2015, nói cái khó là phải lấy lại lòng tin từ người mua trước khi tới người tiêu dùng cuối cùng. Ông tiếc rẻ cho khoảng thời gian vàng bị đánh cắp.

“Nếu được đầu tư khâu bảo quản, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, kêu gọi các doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật – công nghệ mới để khai thác giá trị dược tính thì hành tím được giải cứu”, TS Lê Nguyễn Đoan Khôi, trưởng nhóm tư vấn dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cho HTX củ hành tím Vĩnh Châu, nói.

Tuy nhiên, nguồn vốn của HTX chỉ vỏn vẹn 40 – 50 triệu đồng, chủ yếu để mua vật tư.

HTX cần bao nhiêu tiền làm vốn kinh doanh? “Khoảng 2 tỉ đồng”, ông Thành trả lời. Nhưng với giá củ hành hiện thời, HTX chỉ đủ sức tiêu thụ 100 tấn với số vốn ấy, tức chỉ chiếm vài chục phần trăm so sản lượng của HTX, và chẳng thấm vào đâu so sản lượng trên 160.000 tấn củ hành của Vĩnh Châu. Năng lực cung cấp như vậy cũng sẽ khó nói chuyện với các siêu thị! HTX đang tính đến khả năng liên kết với doanh nghiệp ở địa phương để có vốn mua – bán củ hành tím. Nhưng nếu huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp thì các doanh nghiệp chỉ muốn làm theo “phi vụ”, vì HTX có nhà kho, máy sấy nhưng chưa có điện ba pha để sấy củ hành và chưa tìm được cách để giữ lâu, chờ cơ hội tốt bán ra.

Thực ra, cho tới giờ này người trồng hành ở Vĩnh Châu và người làm hàng sạch ở HTX củ hành tím Vĩnh Châu “vẫn khát khao, vẫn dại khờ” khi đi tìm hình mẫu liên kết sản xuất và tiêu thụ cho tử tế. TS Lê Nguyễn Đoan Khôi nói về khả năng chuyển giao kỹ thuật ứng dụng tricoderma để trồng hành theo hướng an toàn hơn, trường cũng muốn chuyển giao thành tựu nghiên cứu trị sâu xanh da láng, bệnh dòi lá, thối củ (NCS.TS Trịnh Thị Xuân). Nhưng điểm nghẽn là khó tìm đối tác sẵn sàng tiếp nhận và chuyển giao tới người sản xuất.

Ngoài ra, làm hàng sạch, sự khác biệt của HTX củ hành tím Vĩnh Châu nhưng sản lượng vài trăm tấn – lại là điểm nghẽn cho những cuộc thương lượng. Nguồn lực làm hàng sạch ở Vĩnh Châu phân tán. Bản thân HTX củ hành tím, rất lúng túng nên không thể cấp mã số lô sản xuất, phân loại năng lực cung ứng của từng nông hộ, xác định đối tác liên kết…