Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2014-2015 và triển khai năm học mới 2015-2016, một trong những nội dung Bộ GD-ĐT đưa ra đó là điều chỉnh thời gian thi, lịch thi THPT Quốc gia năm 2016.
Đại diện Bộ GD-ĐT thừa nhận những bất cập trong Kỳ thi THPT quốc gia 2015. Do đó, Bộ GD-ĐT sẽ có biện pháp điều chỉnh hợp lý hơn.
“Việc tổ chức thi vào đầu tháng 7 là thời gian nóng nhất trong năm, Bộ sẽ nghiên cứu điều chỉnh thời gian phù hợp. Bộ GD-ĐT cũng tiếp tục rút kinh nghiệm công tác ra đề thi, tổ chức thi để hoàn thiện các khâu của quá trình tổ chức thi trong những năm sau”, đại diện Bộ GD-ĐT cho hay.
Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu điều chỉnh thời gian, cách tổ chức kỳ thi chung cho phù hợp
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 đảm bảo thi gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội và người dân. Kết quả thi phản ánh trình độ người học, làm căn cứ để xét tốt nghiệp THPT đồng thời cung cấp dữ liệu cho xét tuyển sinh ĐH-CĐ, nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội.... Tuy nhiên, kì thi cũng có một số khâu cần phải rút kinh nghiệm.
Bộ GD-ĐT cho rằng, công tác truyền thông cần làm tốt hơn để phổ biến, hướng dẫn cho thí sinh đăng kí dự thi và nộp hồ sơ đăng ký dự thi theo đúng thời gian quy định, nhất là đối với các ngành học, các trường có sơ tuyển.
Trước đó, trao đổi với phóng viên về kỳ thi chung Quốc gia năm 2015, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi còn nhiều điều cần khắc phục. Kỳ thi THPT Quốc gia 2015, tính cả ngày chuẩn bị là 5 ngày. Thí sinh phải tập trung về các cụm, gây cảm giác vẫn nặng và vẫn có những hội đồng tập trung chỉ có 1 thí sinh. Như vậy, mục tiêu nhẹ nhàng của kỳ thi vẫn chưa đạt được.
Hơn nữa, kỳ thi THPT Quốc gia còn tăng học lệch, học sinh chỉ học 4 môn bắt buộc (Toán, Văn, Anh và một 1 tự chọn). Như vâỵ, học sinh sẽ học lệch từ năm lớp 10, trong khi đó, chương trình THPT chưa phân hóa, vẫn dạy đến kiến thức lớp 12. Nhiều trường dạy các môn mà học sinh không muốn học, thầy cũng khổ.
Do đó, ông Nhĩ đề xuất, Bộ GD-ĐT nên quay trở lại thi 5 môn bắt buộc và 2 bài thi tự nhiên và xã hội để đảm bảo cho học sinh học một cách toàn diện.