Với ý tưởng “Việt Nam- Khát vọng hòa bình”, “Tự hào hai tiếng Việt Nam” chương trình diễu hành nghệ thuật sáng 2.9 tại Hà Nội hứa hẹn là sự kiện tụ hội, tỏa sáng tinh hoa văn hóa dân tộc. NSND Lê Ngọc Cường- người chịu trách nhiệm xây dựng kịch bản đặc biệt cho chương trình diễu hành nghệ thuật này cho biết, đó sẽ là một cuộc phô diễn những thành tựu văn hóa, những mốc son lịch sử đã tô thắm trang sử vàng truyền thống, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và khát vọng vươn lên của dân tộc. “Với sự tham dự của khoảng 2.500 nghệ sĩ, diễn viên, các nghệ nhân... đại diện cho giới văn nghệ sĩ cả nước, chương trình vì thế sẽ mang mang đậm tính nghệ thuật, chứ không chính trị khô cứng”- ông Cường khẳng định.
Diễu hành trong lễ kỷ niệm Quốc khánh 2.9 năm 2010. Ảnh: T.L
Theo kịch bản, cuộc diễu hành nghệ thuật nhằm tôn vinh các giá trị lịch sử sẽ gồm 3 mảng nội dung chính. Đi suốt hành trình lịch sử lập quốc từ nhà nước Văn Lang, Âu Lạc, đến Đại Cồ Việt, Đại Việt, Việt Nam cho đến quốc hiệu chính thức Việt Nam hiện nay. Phần này được thể hiện qua các khối xe mô hình. Phần thứ hai tôn vinh hành trình văn hóa có chủ đề “Việt Nam bay lên dáng núi rồng tiên”, giới thiệu các loại hình di sản đã được ghi danh như nghi thức trống đồng và dâng cúng Hùng Vương, hát xoan, quan họ Bắc Ninh, Hội Gióng, cồng chiêng Tây Nguyên, văn hóa Chăm, dù kê, múa bóng rối, cồng chiêng Hòa Bình, lễ cấp sắc người Dao, múa khèn của người Mông... Sau đó đến khối tôn vinh nghệ thuật truyền thống như rối, tuồng, chèo, cải lương, xiếc, kịch. Các nghệ sĩ diễu hành đến trước quảng trường Ba Đình sẽ dừng lại khoảng một phút để trình diễn.
“Ý tưởng kịch bản là như vậy, tuy nhiên chương trình cũng sẽ vấp phải không ít khó khăn trong việc thể hiện”- ông Cường tâm sự. Trước hết, việc diễu hành nghệ thuật sẽ diễn ra vào ban ngày vì thế làm không khéo rất phô, vì vậy từ mô hình đến đạo cụ phải đẹp, rực rỡ. Cùng với đó, tâm lý việc diễu hành đơn thuần là chỉ đi bộ, cầm hoa, cầm nón vẫy chào đã in sâu vào nếp suy nghĩ của nhiều người cũng sẽ phải thay đổi. Bởi vậy, các nghệ sĩ, diễn viên đòi hỏi có nhiều thời gian luyện tập, kết nối để thể hiện tốt ngôn ngữ động tác, bố cục tạo hình...
Sau chương trình diễu hành nghệ thuật, tối 2.9, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Việt Nam- Thời đại Hồ Chí Minh” sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội). Đây là chương trình nghệ thuật bán sử thi, gồm 5 trường đoạn được liên kết xuyên suốt thông qua hình thức thể hiện nghệ thuật ca múa nhạc, sân khấu, phối hợp lời dẫn, video clip… Chương trình nhằm khái quát một chặng đường lịch sử đấu tranh cách mạng cam go, khốc liệt, anh dũng, kiên trung, nhưng rất tự hào của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời nêu bật những thành công to lớn của nhân dân ta đã đạt được trong thời kỳ đổi mới.
NSND Lê Ngọc Cường chia sẻ, kịch bản của đêm diễn không “ôn nghèo kể khổ”, không nhấn quá khứ nhiều vì nói được ngày nay tự khắc nói được quá khứ. Vì thế, trọng tâm chính hướng tới là những nhân vật, sự kiện của thời kỳ đổi mới. Thêm nữa, thay vì việc có sân khấu lớn, hoành tráng thì việc kết hợp công nghệ hiện đại trong âm thanh, ánh sáng sẽ được tận dụng- đại diện ban tổ chức chia sẻ...
Sáng 12.8 tại Hà Nội, Ban tổ chức các chương trình nghệ thuật, diễu binh diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 đã tổ chức họp báo công bố các sự kiện. Đoàn diễu binh, diễu hành sáng 2.9 từ Quảng trường Ba Đình sẽ đi theo 2 hướng: Nhánh thứ nhất từ Nguyễn Thái Học – Kim Mã- Sân vận động Quần Ngựa. Nhánh thứ 2 đi từ Nguyễn Thái Học- Tràng Thi- Hàng Khay-Tràng Tiền- Trần Khánh Dư. Dự kiến có khoảng 30.000 người tham gia các khối diễu binh, diễu hành. |