Tăng là bình thường
Sau quyết định nới biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), giá USD tại ngân hàng và trên thị trường tự do đã đồng loạt tăng mạnh từ hôm 12.8 đến nay. Một số điểm giao dịch ngoại tệ tự do tại Hà Nội cho biết đã thay đổi nhiều lần giá USD niêm yết và số lượng người mua USD hôm qua cũng tăng lên nhiều hơn so với hôm trước.
Nếu ngày 12.8 giá USD tự do ở mức 21.970 đồng (mua vào) và 22.030 đồng (bán ra), tăng tương ứng 120-160 đồng/USD so với ngày trước đó thì chiều qua giá tiếp tục tăng lên. Cụ thể, tại các điểm thu đổi ngoại tệ trên phố Hà Trung (Hà Nội), nhiều người dân cho biết, tỷ giá mua - bán USD đã lên mức 22.150 - 22.250 đồng/USD.
Tại ngân hàng, giá USD niêm yết cũng đã lên mức kịch trần theo biên độ mới. Giá bán USD tại Techcombank chạm trần 22.106 đồng, tăng 6 đồng so với đầu buổi sáng và tăng 266 đồng kể từ lúc NHNN chính thức nới biên độ tỷ giá lên 2% vào sáng 12.8.
Tại Vietcombank, giá USD bán ra cuối ngày cũng lên 22.105 đồng, cao hơn đầu ngày 15 đồng. Hầu hết các ngân hàng khác đều bán ra ở mức trên 22.100 đồng, còn mua vào dao động 22.000-22.035 đồng/USD.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, giá USD tăng hiện nay hoàn toàn là bình thường và tức thời khi chúng ta vừa nới biên độ tỷ giá. Tuy nhiên, ông Phong nhận định, thị trường USD sẽ sớm ổn định trở lại và khó có chuyện đầu cơ, găm giữ lớn USD.
“Việc đầu cơ USD chỉ diễn ra khi người ta kỳ vọng tỷ giá tiếp tục được điều chỉnh. Tuy nhiên, khả năng NHNN phá giá ngoại tệ đến thời điểm này là rất thấp. Việc Trung Quốc phá giá đồng tiền có tác động đáng kể đến ta, song chúng ta còn phải xem xét các nước điều chỉnh đồng tiền của họ như thế nào mới phải tính đến việc điều chỉnh tiếp tỷ giá” - ông Phong phân tích.
Nên đa dạng hóa cách tiết kiệm!
Ông Phong cũng cho rằng: “Với tâm lý người dân lúc này thì dù sao USD cũng chỉ là tờ giấy, lại là tiền của nước khác nên sẽ khó có chuyện người dân đổ xô tích trữ USD khi giá lên như hiện nay. Chưa kể, thị trường vàng hiện nay cũng đang lấn át với đà tăng lên thì việc đầu cơ nắm giữ vàng (nếu có) với người dân vẫn quan trọng hơn là giữ USD. Thực tế người dân vẫn thích cất giữ vàng hơn USD”.
Nhiều người cũng bắt đầu tính toán xem giữ vàng, USD hay VNĐ lúc này như thế nào mới là có lợi nhất? Về vấn đề này, chuyên gia tài chính - ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, người dân nên đa dạng hóa các kênh tiết kiệm và tích trữ của cải, không nên chạy theo thị trường đầu cơ một loại hàng hóa nào quá đà, bởi rủi ro sẽ rất lớn. Người dân nên dùng tiền nhàn rỗi của mình để đầu tư, làm ăn nhiều kênh trong nền kinh tế để sinh lợi thay vì chạy theo vàng, USD.
Theo phân tích của ông Nguyễn Trí Hiếu thì từ nay đến cuối năm, những áp lực lên tỷ giá vẫn còn. Thị trường tiền vàng sẽ vẫn còn có nhiều biến động khó lường. Thời điểm cuối năm, nhu cầu về USD thường tăng cao, mặt khác, không loại trừ những tác động từ các diễn biến kinh tế thế giới khác. NHNN sẽ phải thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để tiếp tục ổn định tỉ giá và thị trường ngoại tệ trong biên độ quy định, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành chính sách một cách phù hợp.
Ngân hàng Nhà nước hôm 12.8 thông báo điều chỉnh nâng biên độ tỷ giá USD/VND. Theo đó, biên độ dao động được tăng từ +/-1% lên +/-2%. Với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.673 đồng mỗi USD, giá mua bán USD của các ngân hàng có thể biến động trong phạm vi từ 21.240 đồng (sàn) đến 22.106 đồng (trần). |