Theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và chăm sóc trẻ em hiện hành, độ tuổi trẻ em được quy định dưới 16 tuổi. Dự luật sửa đổi đề xuất trẻ em là người dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó dự luật còn mở rộng phạm vi trẻ em không chỉ là công dân Việt Nam mà trẻ em còn là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, trẻ em là người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam.
Trẻ em chơi game tại một cửa hàng trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Đ.D
“Quy định này bảo đảm phù hợp hơn với Công ước về quyền trẻ em, phù hợp với quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013. Ngoài việc bảo đảm quyền của trẻ em là công dân Việt Nam, Việt Nam ghi nhận các quyền trẻ em đồng thời là quyền con người của mọi trẻ em, không phân biệt quốc tịch đang cư trú tại Việt Nam. Việc nâng độ tuổi của trẻ em sẽ mở rộng phạm vi áp dụng quyền trẻ em đối với người chưa thành niên trong độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, tạo điều kiện cho người chưa thành niên ở độ tuổi này có cơ hội được chăm sóc, bảo vệ" - bà Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH lý giải.
Đề xuất này được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự luật) và nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, quy định về độ tuổi trẻ em cần phải xem xét lại, nâng thêm 2 tuổi chỉ phù hợp với khu vực thành thị, còn ở nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, người dưới 18 tuổi đã là mẹ của trẻ em.
Đề cập đến vấn đề bảo vệ trẻ em, ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội nhấn mạnh: "Cần bổ sung quy định về bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng vì đây là môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm và định hướng lối sống của trẻ em trước sự bùng nổ thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội hiện nay".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng góp ý: “Chúng ta nói trẻ được quyền này quyền kia nhưng các cháu còn nhỏ thì biết gì. Luật phải viết thêm trách nhiệm và theo hướng gia đình, nhà trường, tổ chức, xã hội và Nhà nước phải chủ động hơn. Với quyền này thì gia đình làm gì, nhà trường làm gì, xã hội đoàn thể phải làm gì, Nhà nước làm gì”.