Đó là câu hỏi của người dân gửi đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trong Chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời", phát sóng trên VTV ngày 16.8.
Thưa Bộ trưởng, có ý kiến cho rằng, trong đợt đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng, thí sinh tỉnh xa sẽ thiệt thòi hơn các thí sinh tại các thành phố. Thí sinh tỉnh xa tiếp cận thông tin kém hơn. Do đó, khi nộp và rút hồ sơ, điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh phải đi lại nhiều hơn. Vậy, Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về vấn đề này và có sự điều chỉnh gì không cho kỳ thi năm sau để giải quyết những vấn đề này?
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời
Để khắc phục khó khăn của thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, Bộ GD-ĐT đã liên tục cập nhật thông tin tuyển sinh cho các cháu. Ngoài ra, Bộ cũng cập nhật phần mềm để các cháu có thể thay đổi nguyện vọng tại các trường phổ thông nơi các cháu học hoặc tại Sở GD-ĐT các địa phương. Các Sở GD-ĐT cập nhật thông tin tuyển sinh thường xuyên và cung cấp thông tin, tư vấn cho học sinh.
Một câu hỏi khác của người dân gửi tới Bộ trưởng:“Tôi năm nay có con xét tuyển vào đại học. Nhưng tôi rất lo lắng với những đổi mới của năm nay bởi liên tục phải theo dõi thông tin từ các trường xem tình hình nộp hồ sơ thế nào. Tôi thấy rất mệt mỏi. Vậy Bộ trưởng có cách nào để khắc phục tình trạng này không?”.
Vào thời tôi đi thi đại học cách đây 45, 46 năm, lúc đó không có thông tin gì cả. Từng học sinh một, thi khối A, B hay C, thi vào trường đại học nào đều do hội đồng tuyển sinh quyết định.
Sau này, vào thời kỳ đổi mới, học sinh được quyền lựa chọn khối thi và trường đăng ký dự thi. Để lựa chọn, các cháu bắt đầu phải tính toán xem mình nổi trội về khối A, B hay C, thi vào Đại học Bách khoa, Xây dựng hay Sư Phạm. Đó là một bước lo nhưng là sự tiến bộ.
Tôi thấy xã hội phàn nàn đó là chính đáng là vì thiếu thông tin cả từ phía học sinh và nhà trường. Như vậy, có hiện tượng nhiều cháu điểm rất cao nhưng trượt, trong khi có những cháu điểm thấp hơn lại vào được đại học. Điều đó gây nên một tình trạng không công bằng đối với các cháu và các trường cũng không chọn được hết học sinh giỏi.
Tiếp nhận băn khoăn, phản ánh đó của xã hội, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT tạo thuận lợi hết mức cho học sinh trong tất cả các công việc của mình, tập dần việc cân nhắc, lựa chọn, quyết định liên quan đến các cháu.
Chúng tôi quyết định cho công bố không chỉ kết quả thi mà còn công bố tập hợp điểm của khối thi, cập nhật công bố thông tin tình hình hồ sơ các cháu đăng ký vào các trường, để các cháu thường xuyên biết mình ở tốp nào trong bản đăng ký của trường mình đang có dự định vào học.
Nếu như trước đây các cháu lo nhưng không có giải pháp gì thay đổi, chỉ lo và chấp nhận kết quả dựa vào sự đăng ký ban đầu mang tính may rủi. Bây giờ tuy thí sinh vẫn lo, nhưng có thông tin để tính toán, để cân nhắc, để thay đổi.
Chúng tôi nghĩ rằng đó là sự đổi mới, là một sự lo lắng cần thiết để các cháu có một kết quả tương xứng với công sức và thành quả học tập mà các cháu đạt được.
Thưa Bộ trưởng, sau kỳ thi này Bộ trưởng có đánh giá tổng thể như thế nào?
Việc tổ chức thi cử có những nét tiến bộ, tốt, nhẹ nhàng hơn, đơn giản hơn, tiết kiệm hơn và cũng nghiêm túc, có độ tin cậy cao hơn.
Về xét tuyển, xã hội còn có những băn khoăn, lo lắng. Thầy, cô giáo có phản ánh là vất vả hơn về mặt công việc. Chúng tôi đang tiếp tục xử lý và theo dõi tình hình, một mặt động viên các thầy cô giáo, cán bộ quản lý trong cả hệ thống, chủ động nhận phần khó khăn, vất vả hơn về mình, để tạo điều kiện tối đa cho các cháu có đủ thông tin, để cân nhắc đưa ra một quyết định rất quan trọng ở bước đầu đời.
Chúng tôi chờ đánh giá của xã hội và sẽ có tổng kết, rút kinh nghiệm nghiêm túc về kỳ thi này. Chúng tôi biết chắc chắn rằng năm đầu tiên triển khai thì không thể nuột nà, hoàn hảo được và sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc, bổ sung, hoàn thiện các giải pháp.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Video: Chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời ngày 16.8 (Nguồn: VTV)