Con nhím với sự góp sức của nguồn vốn Ngân hàng CSXH đã đem đến niềm vui cho người dân xã Yên Thắng, huyện Lục Yên, Yên Bái.
Xã Yên Thắng có 1.038 hộ với hơn 4.000 nhân khẩu. Nơi đây quần tụ 3 dân tộc: Kinh, Tày và Nùng, trong đó dân tộc Tày và Nùng chiếm hơn 80%. “Thu nhập của bà con chỉ trông vào cây lúa. Diện tích đất nông nghiệp và đất rừng ít nên vận động bà con chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi gặp nhiều bế tắc vì quỹ đất chật hẹp. Xã cũng đã vận động bà con nuôi trâu bò, lợn nhưng hiệu quả không cao" - ông Nông Đức Thắng - Chủ tịch UBND xã, tâm sự.
Người mở lối
Ông Nguyễn Đức Năng bên chuồng nhím giá trị gần tỷ đồng. |
Cuộc sống khó khăn, nhiều người "Nam tiến", đến những thành phố lớn kiếm kế sinh nhai. Xóm làng dần vắng bóng thanh niên và lao động có sức khoẻ. Công cuộc thoát nghèo của Yên Thắng đang bế tắc thì trên sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về con nhím - vật nuôi giá trị cao. Ước mơ thoát nghèo, làm giàu của bà con được đánh thức.
Người tiên phong là ông Nguyễn Đức Năng, ở thôn Đồng Cáy. Ông Năng khăn gói lên đường, đến Hà Giang, Lạng Sơn và nhiều tỉnh thành khác tìm hiểu những mô hình nuôi nhím. Hàng năm trời theo đuổi ước mơ, năm 2007, ông quyết định vay tiền làm chuồng trại nuôi nhím với số tiền bỏ ra gần trăm triệu đồng. Thời điểm đó trong xã chưa có ai nuôi nhím, ở huyện cũng chỉ có vài người. Vậy mà liền một lúc ông dám nuôi tới 4 đôi. "Bỏ ra số tiền lớn, nhiều đêm tôi mất ngủ vì không biết rồi đây sẽ bán nhím cho ai"- ông Năng nhớ lại.
Cùng lúc phong trào nuôi nhím ở các địa phương lân cận bắt đầu phát triển. Nhím của ông đẻ con nào có người đến đặt mua ngay, thậm chí đặt tiền trước. Cứ mỗi đôi nhím (một con đực một con cái), đẻ được 45 ngày sau khi tách sữa giá bán 14-15 triệu đồng. Không những nhanh chóng thu hồi vốn, ông còn lời to.
Ông Năng quyết định tăng đàn. Hiện ông có 20 con nhím đẻ, 7 con nhím đực và hàng chục con nhím mới sinh. Tính đến nay ông đã bán trên 60 đôi nhím giống cho bà con trong huyện, trong tỉnh và các tỉnh bạn, số tiền ước tính gần 1 tỷ đồng. Chưa kể chuồng nhím nhà ông trị giá hàng tỷ đồng; hiện nay, mỗi con nhím đẻ giá từ 25-30 triệu đồng. Với 20 con nhím đẻ, trung bình mỗi năm ông cung cấp cho thị trường hơn 30 đôi nhím giống, thu về trên 500 triệu đồng.
Nuôi nhím xây nhà
Ông Nông Đức Thắng -
Chủ tịch UBND xã Yên Thắng
Từ thành công của ông Năng, bà con trong xã bắt đầu nghĩ đến con nhím. Do vốn đầu tư nuôi nhím rất lớn, nhưng nhờ được Ngân hàng CSXH cho vay vốn, đến nay Yên Thắng đã có hơn 20 hộ nuôi nhím và là xã có số hộ và số nhím nuôi lớn nhất huyện.
Điển hình như hộ ông Hoàng Văn Dân, năm 2007, ông vay 10 triệu đồng của Ngân hàng CSXH và vay thêm các nguồn khác đầu tư nuôi 4 đôi nhím giống. Đến nay ông đã bán 13 đôi, thu về gần trăm triệu đồng.
Trước đây, gia đình ông Nguyễn Đăng Tuấn chỉ tập trung nuôi lợn. Dịch bệnh, biến động giá cả, khiến cho gia đình ông nhiều năm lâm nợ. Đầu năm 2010, vay Ngân hàng CSXH 10 triệu đồng và huy động các nguồn vốn khác, ông mua 1 đôi nhím đẻ. Nuôi hơn một năm, ông bán 5 con nhím giống được 48 triệu đồng.
Hiện, nhím của ông chuẩn bị đẻ tiếp lứa nữa. "So với con lợn, con trâu, con bò, nuôi nhím tuy đầu tư cao nhưng không tốn công lại thu hồi vốn nhanh. Xe máy, tiện nghi sinh hoạt trong nhà từ nhím ra cả đấy”- ông Tuấn tâm sự.
Triệu Huấn