Nhiều phương thức
Việt Nam là một đất nước được nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá có nền ẩm thực đặc sắc và đa dạng, do đó, các loại đặc sản Việt Nam như: Trái cây tươi, rau củ, ô mai, bánh kẹo… ngày càng được yêu thích. Vì thế, nhiều DN Việt Nam đã nắm bắt để hiện thực hóa cơ hội đưa những nét văn hóa vùng miền của Việt Nam ra thế giới.
Theo nhận xét của đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, lượng hàng XK của mặt hàng rau quả tăng trưởng khá đều, sản phẩm ngày càng có sự đa dạng và mới lạ hơn, ví dụ như: Gấc đông lạnh, nước ép đóng hộp, hoa quả sấy khô… Đặc biệt, các DN đã chịu đầu tư mở rộng tìm kiếm nghiên cứu thị trường, đến nay đã XK đến 50 quốc gia trên thế giới.
Việc XK các loại đặc sản của Việt Nam đã có nhiều thuận lợi do DN tìm được phương án kinh doanh hợp lý . Ảnh: Quang Tấn
Tuy nhiên, để có sự thuận lợi và ưu thế hơn khi XK, các DN cần tìm cho mình một phương án kinh doanh bài bản và cách thức để XK sản phẩm phù hợp với điều kiện của mình. Theo đó, với các DN lớn, phương án “buôn tận gốc, bán tận ngọn” sẽ giúp tạo được lợi thế tốt nhất cho DN.
Chia sẻ về cách làm này, theo ông Hồ Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH XK Trái cây nhiệt đới, Công ty đã mở rộng chuỗi liên kết đến từng hộ nông dân, hướng dẫn họ trồng cây, thu hoạch, bảo quản theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Sau khi thu mua, Công ty sẽ tự thực hiện các khâu để XK hàng và cung ứng đến tận cửa hàng, siêu thị của phía đối tác. Với phương án này, DN sẽ tận dụng được mọi chi phí và đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng theo đúng yêu cầu về kiểm định thực phẩm của các thị trường khó tính như Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, tùy thị trường mà các DN có cách XK khác nhau, ông Quang cho hay, đối với thị trường Trung Quốc, việc giao thương nếu không gặp rủi ro thì các thủ tục khá đơn giản nên từng hộ nông dân cũng có thể thực hiện. Nhưng tại các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, EU, Australia… thì phải là những DN có tiềm lực, có sự hiểu biết về quy định, quy cách XNK của những nước này thì mới có thể thực hiện, bởi chỉ cần sai lệch về một hóa chất trong thuốc bảo vệ thực vật là hàng có thể bị trả lại.
Còn đối với mặt hàng mang tính chất đặc thù hơn, kén người dùng hơn như các loại bánh truyền thống, DN phải lựa chọn được thị trường phù hợp. Bà Lê Thị Hồng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Gia Bảo (DN chuyên sản xuất, XK bánh đậu xanh, bột đậu) cho hay, với thị trường gần và có văn hóa tương đồng như Trung Quốc, việc XK các mặt hàng này thuận lợi hơn nên DN tự triển khai. Còn với các thị trường xa như EU, Hoa Kỳ… thì DN phải dựa hoàn toàn vào các công ty trung gian. Các công ty này sẽ thu mua, tập hợp thành số lượng lớn, còn nếu DN tự XK thì lượng hàng vừa không đủ tiền công mà cũng không tìm được nguồn khách hàng phù hợp.
Cần đồng bộ
Con đường XK các loại đặc sản của Việt Nam hiện nay ít nhiều đã có sự thuận lợi hơn, tuy nhiên, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, khó khăn lớn nhất của các DN Việt Nam khi XK đặc sản là chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng tiêu chuẩn của quốc gia đó. Đã có nhiều trường hợp hàng hóa của Việt Nam bị trả lại hoặc đưa ra cảnh báo về độ an toàn cũng như sẽ cấm NK nếu hàm lượng hóa chất dư thừa còn tiếp diễn.
Nói về vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu, người nông dân Việt Nam vẫn chưa hiểu rõ cách thức nuôi trồng, bảo quản các loại trái cây đặc sản bằng loại thuốc, hóa chất nào để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Hơn nữa, việc XK cũng theo mùa vụ nên có lúc hàng bị ùn ứ và bị đối tác ép giá.
Đồng quan điểm, ông Hồ Văn Quang cho hay, điều kiện khí hậu của nước ta khác với các quốc gia vùng ôn đới nên việc sử dụng thuốc sẽ có sự khác biệt. Tuy nhiên, các nước này lại không chấp nhận điều đó, mà cần phải có sự xin phép, đăng ký chất lượng thuốc với các cơ quan nghiên cứu của nước sở tại. Phương án này rất cần đến sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước vì DN không đủ điểu kiện để đăng ký hàm lượng hóa chất với quốc gia đó.
Bên cạnh đó, ông Quang cũng cho biết, khó khăn của các DN XK đặc sản nói chung và trái cây đặc sản nói riêng là chưa có nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước nên DN phải tự học hỏi, tự trang bị kinh nghiệm và kiến thức. Hơn nữa, việc XK các mặt hàng này còn vướng mắc ở khâu kiểm dịch, cần có sự đồng bộ, nhất quán hơn giữa các cơ quan chức năng, cần tăng cường các cơ sở kiểm dịch, chiếu xạ uy tín trong nước. Vì như khu vực miền Nam hiện giờ chỉ có một nhà máy chiếu xạ hoạt động nên thường gây tình trạng ùn ứ vào thời gian cao điểm.
Một vấn đề nữa của các loại đặc sản Việt Nam là nhiều sản phẩm không phù hợp với văn hóa của người bản địa nên sẽ kén khách hàng, hoặc chỉ có thể tìm những quốc gia có đông người Việt sinh sống. Do đó, các DN khi XK phải có sự nghiên cứu trước thị trường và có phương thức quảng bá mặt hàng rộng rãi.